Apr132025

Fr Thắng nguyễn Như MSC

CHÚA NHẬT LỄ LÁ – Năm C
– Bài đọc I: Is 43:16-21
– Bài đọc II: Pl 3:8-14
– Tin Mừng – Kiệu lá: Lc 19:28-40
– Bài Tin Mừng: Lc 22:14-23:56
Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá cử hành biến cố Chúa Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho con người. Khi suy gẫm Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ nhận thấy rằng điểm nổi bật nơi trình thuật này không nằm ở những khổ đau của Chúa Giê-su mà là một di sản vô giá mà Ngài đã để lại trước khi tạ thế.
Báu vật đầu tiên và cao trọng nhất là Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giê-su đã thánh hoá bánh và rượu thành Thịt và Máu Ngài để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Sáng kiến tuyệt hảo vượt quá trí hiểu và sức tưởng này mới có thể thỏa mãn khao khát tột cùng của Chúa Giê-su: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20)
Báu vật thứ hai là tình yêu vô điều kiện của Chúa Giê-su dành cho nhân loại, đặc biệt là cho Giu-đa kẻ phản bội và Phê-rô kẻ chối Thầy ba lần. Có lẽ, có người sẽ thắc mắc rằng tại sao Chúa Giê-su lại không dùng quyền năng vô biên của Ngài để thay đổi ý định xấu xa của họ. Câu trả lời đơn giản là vì Ngài tuyệt đối tôn trọng tự do của họ trong việc đón nhận hay từ chối tình yêu của Ngài. Hơn thế nữa, Chúa Giê-su không bỏ mặt họ trong lỗi lầm của mình, mà không ngừng cầu nguyện cho họ. (Lc 22:32) Và chính tình yêu vô điều kiện này của Chúa Giê-su đã biến đổi tận căn thánh Phê-rô cũng như các môn đệ của Ngài.
Báu vật thứ ba là tấm lòng bao dung vô bờ của Chúa Giê-su dành cho những người làm tổn thương mình. Khi đối diện với bạo lực, bất công, và sự bội phản, Chúa Giê-su đã dùng yêu thương để hoá giải hận thù. Với Giu-đa kẻ phản bội, Chúa Giê-su không tỏ thái độ căm phẫn mà ôn tồn bảo hắn: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22:48) Với Phê-rô, Chúa Giê-su đã dùng ánh mắt nhân từ để đáp lại hành vi chối Thầy của Phê-rô. Hơn thế nữa, Ngài còn xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã vu không, kết án bất công, và buông lời xúc phạm mình rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 22:33) Thậm chí, ngay tại những khoảnh khắc sau cùng của đời mình, Chúa Giê-su đã ban Nước Trời cho anh trộm lành biết ăn năn hối cải,“Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 22:43)
Và báu vật sau cùng là mẫu gương tuyệt hảo làm Con Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã sống trọn đời mình theo thánh ý của Chúa Cha, “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.” (Lc 22:42)
Có một điều quan trọng cần đặc biệt lưu tâm ở đây là ý định của Chúa Cha khi sai Chúa Con đến trần gian này là trao ban tình yêu, trao ban sự sống, và trao ban chính Mình. Thật đáng buồn là con người không những không đón nhận mà còn tìm đủ mọi gian kế để sát hại Chúa Con. Như vậy, căn nguyên của cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su hoàn toàn không nằm trong ý định ban đầu của Chúa Cha mà xuất phát từ sự độc ác và vô ơn của những người mà Ngài hết mực yêu thương.
Cuộc thương khó của Chúa Giê-su đã phơi bày sự tương phản giữa sự bao dung tha thứ và tình yêu trung tín của Chúa Giê-su với sự độc ác, bất nhân bất nghĩa của lòng người. Tình yêu tự hiến tinh tuyền của Ngài có thể được ví như hương thơm của hoa sen toát ra ngay trong bùn hôi tanh. Và tình yêu tuyệt hảo của Chúa Giê-su đã trở thành chuẩn mực cho tình yêu đích thực: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).
Có lẽ, nỗi đau tột cùng của Chúa Giê-su không phải là sự vô ơn hay bội phản mà là sự mất mát tình yêu của dân Ngài. Chúa Giê-su đã yêu thương họ bằng tình yêu muôn thuở và hằng khát khao tình yêu của họ: tình yêu đáp đền tình yêu. Lời than khóc của Chúa Giê-su trên thập giá “Ta khát” phần nào lột tả nỗi đau khôn nguôi của Ngài.
Như vậy, việc cử hành phụng vụ Tuần Thánh chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta tái khám phá mầu nhiệm tình yêu vô bờ và vô điều kiện của Thiên Chúa nơi cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giê-su ngỏ hầu vững bước theo Ngài trên đường tình thập giá.
Nguyện chúc một tuần mới tràn đầy bình an và ân sủng của Chúa!
Fr Thắng Nguyễn Như, msc
“Nhận nhưng không thì cho đi nhưng không.” Mong cả nhà cùng chung tay làm cho Lời Chúa được vang xa bằng cách chia sẻ bài suy niệm này đến những ai cần nhé. Xin chân thành cám ơn.