Mar232025
Fr Thắng nguyễn Như MSC
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM C
– Bài đọc I: Xh 3:1-8a.13-15
– Bài đọc II: 1 Cr 10:1-6.10-12
– Bài Tin Mừng: Lc 13:1-9
Mỗi khi Mùa Chay về, lời mời gọi sám hối lại vang lên, như tiếng nhắc nhở thúc giục chúng ta canh tân thay đổi cuộc đời. Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta về ý nghĩa và tầm quan trọng của sám hối trong đời sống đức tin Ki-tô hữu. Tiến trình sám hối này gồm ba bước.
Bước đầu tiên là nhận ra lỗi lầm của bản thân. Bước này dễ hay khó còn tuỳ thuộc vào cách hiểu về tội. Nếu tội được hiểu là phạm những điều xấu, sám hối đơn giản là từ bỏ những điều xấu đó là xong. Điều này đúng như chưa đủ bởi lẽ luật yêu thương của Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta không những không làm điều xấu mà còn làm điều tốt khi có thể.
Có lẽ, khi nghiêm túc xét mình theo luật yêu thương, chúng ta sẽ nhận ra rất nhiều lỗi lầm thiếu xót của bản thân. Chúng ta sẽ có lỗi khi từ chối giúp đỡ những người khó khăn thiếu thốn, hay khi giữ im lặng trước bất công. Thái độ sống “mặc-kệ-nó” đã làm xói mòn cảm thức tội lỗi. Lương tâm con người ngày nay dường như không còn bị cắt rứt khi phạm tội. Họ dửng dưng khi chứng kiến sự ác lên ngôi vì nghĩ rằng điều đó chẳng có can hệ gì đến họ.
Trong phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định rằng tất cả đều có trách nhiệm về sự bành trướng của sự dữ, cụ thể là nơi cái chết của những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết cũng như cái chết của mười tám người bị tháp Si-lô-ác đè. Vì lẽ đó, Chúa Giê-su kêu gọi tất cả chúng ta hãy nhận ra lỗi lầm của mình và sám hối.
Bước thứ hai của tiến trình sám hối là quyết tâm bước ra khỏi vũng lày tội lỗi mà trở về với Chúa Đấng giàu lòng xót thương. Đây là bước quan trọng trong tiến trình sám hối bởi lẽ, nếu thiếu bước này, việc nhận ra lỗi lầm sẽ trở thành vô nghĩa và vô ích.
Về vấn đề này, đứa con hoang đàng trong ngụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” đã dạy cho chúng ta một bài học rất ý nghĩa. Sự quyết tâm trở về của anh ấy có lẽ xuất phát từ nhiều động cơ, trong đó quan trọng nhất vẫn là niềm tin của anh ấy vào lòng thương xót vô bờ và tình yêu vô điều kiện nơi người Cha. Và, đây cũng là điều làm nên sự khác biệt giữa hai vị tông đồ Giu-đa (kẻ phản bội Thầy) và Phê-rô (người chối Thầy ba lần) như chúng ta đã biết.
Nhận thức quan trọng này giúp chúng ta hiểu hơn ý nghĩa lời nguyện “xin Chúa thương xót chúng con”. Lời nguyện này không nên hiểu là lời cầu xin lòng thương xót của Chúa bởi vì Ngài luôn luôn thương xót chúng ta dù chúng ta có cầu xin hay không. Lời cầu nguyện này nên hiểu là “xin Chúa mở lòng chúng con để đón nhận lòng thương xót của Ngài.”
Bước sau cùng của tiến trình sám hối là biến đổi và sinh hoa kết trái như Chúa Giê-su đã dạy trong Dụ Ngôn Cây Vả. Chúa Giê-su chính là nhân vật người làm vườn trong dụ ngôn. Ngài không hành xử như những người làm vườn thông thường khác. Ngài không chặt cây vả vì không sinh trái nhưng tiếp tục vun xới và bón phân cho nó với hy vọng nó sẽ sinh trái. Chúa Giê-su quả là một người làm vườn rất kiên nhẫn, có tâm và có tầm.
Mỗi Ki-tô hữu là một cây vả trong vườn nho của Chúa. Ngài đã ban cho chúng ta tất cả những ân sủng cần thiết nơi các Bí Tích để sinh hoa kết trái qua đời sống bác ái và yêu thương phục vụ. Chúng ta chỉ có thể sinh hoa kết trái khi bám rễ thật sâu vào Lời Chúa để được tình yêu Ngài nuôi dưỡng và biến đổi.
Trong Mùa Chay Thánh này, xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan nhận ra lỗi lầm của mình, và sự can đảm quay trở về với Ngài để được Ngài tiếp tục yêu thương và biển đổi thành “cây vả” sinh hoa kết trái như lòng Chúa mong muốn. Amen.
Với tâm tình sám hối trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta hãy cùng với hai nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh và Huỳnh Minh Kỳ và ca sĩ Châu Thùy Dương cùng đáp lại lời mọi gọi của Chúa Giê-su nơi “Dụ Ngôn Cây Vả” nhé.
Xin chúc một tuần Mùa Chay mới thật an lành và ý nghĩa.
Fr Thắng Nguyễn Như, msc
“Nhận nhưng không thì cho đi nhưng không.” Mong cả nhà cùng chung tay làm cho Lời Chúa được vang xa bằng cách chia sẻ bài suy niệm này đến những ai cần nhé. Xin chân thành cám ơn.