Mar162025
Fr Thắng nguyễn Như MSC
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM C
– Bài đọc I: St 15:5-12.17-18
– Bài đọc II: Pl 3:17-4:1
– Bài Tin Mừng: Lc 9:28b-36
Mùa Chay là là mùa ân sủng chuẩn bị đón mừng Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Cầu nguyện, chay tịnh, và làm phúc là ba thực hành đạo đức mà mỗi Ki-tô cần làm trong Mùa Chay Thánh. Cầu nguyện để kết hiệp mật thiết với Chúa; Chay tịnh để được biến đổi trở nên giống Chúa hơn; và làm phúc là tiếp nối sứ vụ yêu thương còn dang dở của Chúa Giê-su. Việc suy gẫm ba việc thực hành đạo đức này sẽ giúp hiểu ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của biến cố Hiển Dung trong đời sống đức tin Kit-tô hữu.
CẦU NGUYÊN. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su đem ba môn đệ Phê-rô, Gio-an, và Gia-cô-bê lên núi Tabor để cầu nguyện. Theo truyền thống Do-thái, núi là nơi Chúa ngự. Vì lẽ đó, cầu nguyện thường được ví như một hành trình lên núi gặp Chúa.
Tuy nhiên, “núi” ở đây không nên hiểu theo nghĩa đen bởi lẽ Chúa hiện diện khắp mọi nơi mọi lúc: nơi vũ trụ vạn vật, nơi Kinh Thánh, nơi những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày, nơi kinh nguyện, nơi các biến cố cuộc đời, nơi tiếng khóc tiếng cười của trẻ thơ, nơi tiếng thở dài của người bạn đời, nơi những nếp nhăn trên khuôn mặt của mẹ, và nơi bàn tay sần sùi của cha v.v…
Vì thế, cầu nguyện không nên bị đóng khung trong một nơi chốn cụ thể nào và cũng không nên bị giản lượt vào những việc làm đạo đức nào bởi lẽ chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi biến cố hằng ngày.
Cầu nguyện đích thực bao giờ cũng đi kèm với lời mời gọi biến đổi như cuộc Biến Hình của Chúa Giê-su khi Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Cùng đích của việc biến đổi là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su. Và, để được như thế, tự bỏ là điều hết sức cần thiết.
CHAY TỊNH chính là hành trình từ bỏ, từ bỏ những điều ta ưa thích để chọn những điều Chúa thích. Nói cách khác, chay tịnh không chỉ là buông bỏ những thứ không thuộc về Thiên Chúa mà còn mở lòng đón nhận những giá trị Tin Mừng như: sự tử tế, bao dung, nhân hậu, lòng trắc ẩn, và tha thứ.
Thánh Phê-rô, khi chứng kiến Chúa Giê-su Hiển Dung, đã nẩy ra ý định dựng ba lều với mong muốn ích kỷ là tận hưởng và độc chiếm khoảnh khắc siêu nhiên tuyệt vời đó. Đây là điều dễ hiểu theo bản tính con người. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không chìu theo yêu cầu ích kỷ này của Phê-rô. Ngài đã đưa họ xuống núi Tabor để cùng Ngài tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ bất chấp mọi gian nan thử thách trên hành trình đi lên đồi Can-vê.
Có thể nói mầu nhiệm Hiển Dung của Chúa Giê-su chỉ thực sự có ý nghĩa khi được chiêm ngắm trong mầu nhiệm Phục Sinh của Ngài. Sự liên hệ mật thiết giữa hai biến cố quan trọng này củng cố niềm tin và nâng đỡ chúng ta khi thi hành sứ vụ yêu thương của Chúa Giê-su với niềm hy vọng mạnh mẽ vào chiến thắng chung cuộc nơi biến cố Phục Sinh.
LÀM PHÚC chính là cách tiếp nối sứ vụ còn dang dỡ đó của Chúa Giê-su. Làm phúc không gì khác hơn là noi gương Chúa Giê-su, sống như Ngài đã sống và yêu như Ngài đã yêu. Nói cách khác, làm phúc là chia sẻ những kinh nghiệm được tình yêu Chúa Giê-su chạm đến và biến đổi với những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày, cách đặc biệt với những người thân yêu trong gia đình mình.
Trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau: xin Chúa Giê-su tiếp tục hiển dung trên cuộc đời chúng ta ngỏ hầu mỗi khoảnh khắc cuộc đời mỗi người luôn ngập tràn ánh quang Phục Sinh của Ngài. Amen.
Trong tâm tình Mùa Chay, chúng ta hãy cùng lắng nghe một ca khúc rất ý nghĩa “Chúa Biến Hình,” một sáng tác của hai nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh và Huỳnh Minh Kỳ, do Châu Thùy Dương và Anh Tuấn trình bày.
Xin chúc một tuần Mùa Chay mới thật an lành và ý nghĩa.
Fr Thắng Nguyễn Như, msc
“Nhận nhưng không thì cho đi nhưng không.” Mong cả nhà cùng chung tay làm cho Lời Chúa được vang xa bằng cách chia sẻ bài suy niệm này đến những ai cần nhé. Xin chân thành cám ơn.