Sep152024
Fr Thắng nguyễn Như MSC
CHÚA NHẬT TUẦN 24 – NĂM B
– Bài Đọc I: Is 50:5-9a
– Bài Đọc II: Gc 2:14-18
– Bài Tin Mừng: Mc 8:27-35
Đau khổ hiện diện trên trần gian này kể từ khi nguyên tổ phạm tội bất tuân với Thiên Chúa. Kể từ đó, đau khổ gắn chặt vào kiếp người. Theo bản tính tự nhiên, chẳng ai muốn bản thân cũng như người thân của mình phải chịu đau khổ cả. Có lẽ cũng vì thế mà thánh Phê-rô đã cố gắng ngăn cản Chúa Giê-su khi nghe Ngài tiên báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài.
Chắc chắn rằng, khi trách mắng thánh Phê-rô: “Xa-tan! Lui ra đằng sau Thầy,” Chúa Giê-su không có ý làm tổn thương thánh nhân vì mỗi lời nói và việc làm của Ngài luôn chan chứa tình yêu thương. Vì tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, Chúa Giê-su không có khả năng làm bất cứ điều gì khác ngoài tình yêu. Vì thế, lời trách mắng của Chúa Giê-su chỉ có thể hiểu đúng trong bối cảnh này.
Chìa khóa để hiểu lời trách mắng này của Chúa Giê-su là phần thứ hai trong lời khiển trách: “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh rằng tư tưởng của Thiên Chúa luôn trổi vượt và không bao giờ chịu khuất phục bởi tư tưởng loài người. Tưởng của Thiên Chúa về sứ vụ trần thế của Ngài là trao ban tình yêu, trao ban sự sống, và trao ban chính mạng sống Ngài.
Vì yêu thương Chúa Cha và toàn thể nhân loại, Chúa Giê-su sẳn sàng đón nhận cuộc khổ nạn gây ra do chính những con người mà Ngài đến để yêu thương và phục vụ. Nhưng chắc chắn là Thiên Chúa sẽ không cho phép đau khổ ấy xảy đến với Con Một Yêu Dấu của Người nếu không nhìn thấy sự thiện hảo lớn lao từ trong đau khổ đó. Sự thiện hảo lớn lao đó chính là sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giê-su đã toàn thắng sự chết và tội lỗi bằng sự vâng phục tuyệt đối của Ngài.
Có lẽ, do quá sợ hãi, thánh Phê-rô đã không nhìn thấy mầu nhiệm đau khổ này của Chúa Giê-su từ một tầm nhìn thánh thiêng của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giê-su đã trách mắng thánh Phê-rô nhằm giúp thánh nhân cũng như các môn đệ của Ngài thoát khỏi nỗi sợ hãi và tầm nhìn hạn hẹp của mình để bước vào mầu nhiệm sâu xa về tình yêu tự hiến của Ngài ngỏ hầu các môn đệ hiểu và can đảm dấn thân theo Ngài trên đường tình thập giá.
Lời trách mắng của Chúa Giê-su quả là một lời trách mắng yêu thương. Lời trách mắng ấy đã và đang thách đố những ai khao khát theo Chúa Giê-su qua mọi thời đại. Nó mời gọi chúng ta nhìn thập giá đời mình với tầm nhìn của Chúa như là một phần trong kế hoạch vĩ đại của Ngài. Có một điều rất quan trọng mà chúng ta cần phải xác tín là Chúa Giê-su không bao giờ để chúng ta chịu đau khổ một mình mà luôn đồng hành, nâng đỡ, và giúp chúng ta đi xuyên qua đau khổ để đến bờ hạnh phúc vĩnh cửu.
“Theo Chúa là con phải từ bỏ mình,
theo Chúa nguyện mang lấy khổ hình.
Ai khát vọng tìm về nơi phúc vinh
dấn thân theo Ngài đời hy sinh.
Theo Chúa là đón nhận Thánh Giá đời
theo Chúa là lìa xa lỗi tội.
Vai vác thập tự mà Ngài đã trao
vững tin theo Ngài về trời cao.”
Trong tâm tình đó, chúng ta cùng lắng nghe một ca khúc rất ý nghĩa và sâu lắng “Thánh Giá Đời Con,” một sáng tác của nhạc sĩ Thế Thông do ca đoàn Thánh Gia trình bày.
Nguyện chúc một tuần mới nhiều niềm vui và ân sủng của Chúa!
“Nhận nhưng không, cho đi nhưng không.” Mong cả nhà cùng chung tay làm cho Lời Chúa được vang xa bằng cách chia sẻ bài suy niệm này đến những ai cần nhé. Xin cám ơn. Thắng, msc.