Apr172025
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Thứ Năm Tuần Thánh. Xh 12,1-8.11-14; 1 Cr 11,23-26; Ga 13,1-15.
Người công giáo, vui buồn thất thường
Chuyện kể về người công giáo và người bạn ngoài công giáo. Người bạn đó nhận xét rằng, người
công giáo thật là lạ vì tính khí vui buồn thất thường. Thế là, người công giáo thắc mắc lý do là vì sao
lại nhận xét như thế. Câu trả lời thật thú vị vì người bạn kia có dịp tham dự các cử hành công giáo
vào dịp Tuần Thánh, đặc biệt là Tam Nhật. Bạn đó nhận xét là chỉ trong vài ngày mà người công giáo
vừa ăn mừng, vừa than khóc, rồi lại hớn hở bình an. Nhất là trong ngày thứ Năm, một phần vui vẻ
tham dự Bữa Tiệc Ly, rồi sau đó lại u sầu vì Chúa bị bắt đi mất. Một chút nhận xét như thế cũng đã
phần nào diễn tả được cảm xúc lẫn lộn của người công giáo khi tham dự thánh lễ Thứ Năm Tuần
Thánh. Vậy khi bước vào Thánh Lễ Tiệc Ly, mỗi người tín hữu nên vui hay buồn, hay là vui buồn lẫn lộn?
Nhìn lại trình thuật về bữa ăn Vượt Qua trong sách Xuất Hành, chúng ta nhận ra cảm xúc thật trái
ngược. Vì bao nhiêu năm nô lệ nơi đất khách quê người, dân Chúa chỉ mong được thoát khỏi kiếp
giam cầm, thoát khỏi cảnh tù đày. Lẽ ra, dân chúng phải bận rộn lo lắng chuẩn bị đồ đạc, sắp xếp mọi
thứ trước khi xuất hành. Thế mà, Đức Chúa lại chỉ thị cho ông Mô-sê và A-ha-ron hãy ghi nhớ ngày
tháng, hãy chuẩn bị tiệc ăn mừng. Chỉ thị này xem ra rất rõ ràng và chi tiết với trung tâm điểm là
chiên vượt qua và máu con chiên trở thành dấu hiệu cho dân thoát khỏi cái chết và được xuất hành.
Với chỉ thị mừng lễ vội vã và sẵn sàng lên đường, người dân khi xưa dường như chỉ biết tuân theo và
chờ đợi sự việc diễn ra tiếp theo. Điều này phản ánh phần nào tâm tình hy vọng về giờ khốn khổ sẽ
qua và giờ giải thoát sẽ đến gần.
Dường như cũng trong tâm tình đó, Chúa Giêsu nhận ra giờ của Người đã đến. Giờ đó không chỉ là
cái chết mà còn là giờ trở về với Chúa Cha. Trong hy vọng chờ đợi cho giờ này, Chúa Giêsu đã có
hành động khiến các môn đệ ngỡ ngàng khi đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài, và lấy khăn mà thắt
lưng để rửa chân cho các môn đệ. Hành động rửa chân này thường được hiểu về hành động khiêm tốn
hạ mình với lời mời gọi phục vụ lẫn nhau. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh của lễ vượt qua, có lẽ tâm
tình của mỗi người sẽ bối rối như chính Phê-rô khi xưa vậy.
Bối rối hay vui buồn lẫn lộn cũng đúng thôi, vì Chúa đã không còn ở vị trí của mình trong bữa tiệc và
đã cởi bỏ luôn vẻ bề ngoài của mình. Chúa lại thắt vào mình một tấm khăn, một tấm khăn bình
thường đã trở nên vật dụng thể hiện sự chuẩn bị và thanh tẩy của Chúa cho các môn đệ. Như khi xưa,
dân được chỉ thị, hãy thắt lưng cho gọn diễn tả tâm hồn thanh sạch và sự tập trung chú ý để chuẩn bị
cho cuộc xuất hành. Thì khi nay, Chúa Giêsu đã thực hiện hành động đó với hành động rửa chân. Qua
việc rửa chân, tấm khăn như ôm trọn vị trí thấp nhất trên cơ thể của một người là đôi chân cũng là nơi
con người tiếp xúc gần nhất với mặt đất. Tấm khăn đó như cũng đã chứa đựng cả tình yêu đặc biệt
của người thầy hạ mình xuống để những người trò có thể được ngang hàng mà chung phần với mình.
Đối diện với một Thiên Chúa làm người để con người được làm con Chúa như thế, mỗi người chúng
ta nên vui hay nên buồn? Câu trả lời có lẽ là vui buồn lẫn lộn không phải vì tâm tính của chúng ta bất
thường, nhưng là sự pha trộn của cảm xúc. Một cảm nhận thân phận bé nhỏ của mình, chẳng có công
trạng gì trước mặt Chúa, mà cứ mãi lẽo đẽo đi theo Chúa. Hơn nữa, chúng ta còn được bữa tiệc mà
chính Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta bằng chính thân thể của người. Rồi khi, tham dự vào trong bữa
tiệc của Con Thiên Chúa, chúng ta vui mừng hoan hỉ vì biết mình luôn được Chúa yêu thương, được
Chúa mời gọi vào bữa tiệc của Người.
Cảm nhận được phần nào sự yêu thương và chuẩn bị của Chúa dành cho chúng ta như thế, chúng ta
cũng được mời gọi hãy yêu thương và chuẩn bị cho anh chị em chúng ta. Thay vì phán xét anh chị em
mình không xứng đáng lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thì hãy khuyến khích để những người tín hữu
đều có thể đến với Chúa. Vì tất cả chúng ta đã được rửa không chỉ trong nước, mà trong máu của con
chiên. Chúng ta cũng hãy cùng nhau ‘thắt lưng gọn gàng’ để tập trung trí lòng mà bước cùng Chúa,
để vui với người vui, khóc với người khóc, không phải vì chúng ta ba phải, chạy theo người khác,
nhưng là thể hiện một sự đồng cảm đặc biệt. Để rồi, chúng ta cùng nhau ăn cùng một bánh, uống
cùng một chén mà loan báo sự Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, Chúa Chúng Ta. Amen