Apr302025
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Thứ Năm sau CN V MC. St 17,3-9; Ga 8,51-59
Ai không sợ chết?
Lắng nghe những bài chia sẻ gần đây, có người thắc mắc rằng, sao vấn đề về cái chết được nhắc
đến khá nhiều. Vậy nếu thật sự đối diện với cái chết thì có ai không sợ không? Một cách chung,
câu trả lời thường tình là ai cũng sợ chết vì đó là một kết thúc không ai biết trước. Thế mà,
Chúa Giêsu đã khẳng định với người Do Thái rằng, “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ
phải chết.” Vậy phải chăng, tất cả những người đi theo và làm theo Lời Chúa Giêsu thì không
không còn sợ chết nữa?
Đặt lại bối cảnh Tin Mừng về lời khẳng định của Chúa Giêsu, đó là đoạn đối thoại giữa Chúa
Giêsu và những người Do Thái đã tin người. Đoạn đối thoại ngày càng trở nên gay gắt vì người
Do Thái chưa thật sự đặt niềm tin vào Chúa Giêsu mà tự hào mình là dòng dõi Áp-ra-ham.
Niềm tin của họ cho Chúa Giêsu không bằng vinh quang của Áp-ra-ham, của một người đã
chết, mang lại. Thế là, họ khẳng định Chúa Giêsu bị quỷ ám vì dường như đối với họ, thà tin
vào người chết và vinh quang của người đó thì hơn là người sống. Vì người sống không theo ý
của họ thì cũng không bằng người chết, cũng chỉ đáng được gọi là người bị quỷ ám thôi.
Nhưng thật ra, Áp-ra-ham thuộc về Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết. Ông
không chết mà ngược lại luôn sống trong hy vọng và đã được chiêm ngưỡng Ngày của Đức
Chúa. Chúa Giê su đã dùng thành ngữ “Ngày của Đức Chúa” là một cách dành riêng cho Thiên
Chúa trong thời Cựu Ước như muốn khẳng định Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống, mới thật sự là
Đấng đem lại vinh quang cho con người.
Thế mà, người Do Thái vẫn chưa thể chấp nhận và tiếp tục chấn vấn Chúa Giêsu dựa trên tuổi
đời của Người. Đáng tiếc thay, đôi khi sự khôn ngoan không dừng lại ở tuổi đời con người
sống, mà đến từ căn tính của mỗi người. Như chính Chúa khẳng định, “Tôi là Đấng Hằng
Hữu.” Cuối cùng, sự tranh luận gay gắn biến thành hành động đòi ném đá Chúa Giêsu. Và vẫn
như mọi khi, Chúa Giêsu có thể lánh đi để tránh kết quả xấu hơn khi giờ của Người chưa đến.
Qua một cuộc đối thoại gay cấn và những diễn biến xem ra khá là kịch tính như thế thì có gì
liên quan đến cái chết và sự sống? Vâng, sự liên quan chính nội dung đoạn đối thoại khi Chúa
Giêsu tập trung trình bày về sự sống thì người Do Thái vẫn còn bị giới hạn trong sự chết. Chúa
khẳng định Lời Chúa là sự sống, thì người Do Thái lại bám víu vào tổ tiên, vào ngôn sứ và xem
họ như đã chết. Chúa Giêsu cậy dựa vào Thiên Chúa với niềm hy vọng và vinh quang sự sống
thì người Do Thái lại giới hạn mình vào phận người vào tuổi tác. Theo sự sống, Chúa tạm lánh
mình đi để tránh xung đột khi người Do Thái sẵn sàng lượm đá để giết người.
Vậy còn mỗi người anh chị em chúng ta thì sao? Chúng ta đang chạy theo văn hoá sự sống hay
là cái chết? Với câu trả lời là sự sống thì chúng ta được mời gọi không ngừng theo Chúa và
lắng nghe Lời của Người qua hành trình hy vọng và tìm kiếm vinh quang đến từ Thiên Chúa.
Và có khi, chúng ta được mời gọi hãy tránh xa những xung đột không cần thiết khi chưa đúng
thời điểm. Nếu không, chúng ta sẽ có mãi bám víu vào cái chết với những vinh hoa mờ ảo mà
nó mang lại, và rồi, chúng ta sẽ sẵn sàng ra tay sát hại sự sống lúc nào không hay.
Nguyện ước sao, mỗi người anh chị em chúng ta sẽ sẵn sàng bước theo Chúa dù biết rằng, đó sẽ
là con đường hẹp, con đường chẳng mấy ai đi, để rồi chúng ta sẽ được sự sống mà Thiên Chúa
ban tặng. Và khi đó, chúng ta sẽ bớt đi sự sợ hãi khi đối diện với cái chết và sẵn sàng đón chờ
Ngày của Chúa đến trong cuộc đời chúng ta. Amen.