Mar202025

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Thứ Năm Tuần II Mùa Chay. Gr 17,5-10. Lc 16,19-31

Cánh cổng ranh giới, giàu-nghèo, khốn khổ-ũi an

Trong cuộc sống, ai cũng muốn có cho mình một gia đình cùng một nơi chốn cụ thể để được
an cư. Người lập gia đình thì mua đất xây nhà, người đi tu cũng muốn có đất, xây dựng cộng
đoàn để anh chị em được yên tâm tu tập. Rồi khi có đất, có tiền, ai cũng nghĩ đến việc xây
dựng hàng rào làm ranh giới, làm một cái cổng để định vị lối ra lối vào. Một cách vô tình, văn
hoá làng xã yên bình không có ngăn cách được thay thế bằng các bức tườnng cao, cổng rộng.
Thế là, bà con hàng xóm dường như bị ngăn cách bởi một cánh cổng nào đó và ít còn cơ hội
đến được với nhau. Để rồi, cánh cổng đó trở thành một vực thẳm chia cách lúc nào không hay.
Qua hình ảnh này, phải chăng mỗi người theo Chúa được mời gọi hãy nhìn lại một ‘cánh cổng’
nào đó nơi căn nhà tâm hồn của mình?

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc đến một cánh cổng. Một cánh cổng như thể là điểm phân
biệt cho người giàu và anh nghèo khó La-da-rô. Nhìn nhận như thế, chúng ta nhận ra, bên
trong cánh cổng người giàu không có tên như một người đại diện chung chung với một cuộc
sống hưởng thụ cơm ngon áo đẹp nhưng rồi sa vào âm phủ, chịu cực hình. Bên ngoài cánh
cổng, anh nghèo được gọi tên rõ ràng là La-da-rô, với một cuộc sống khó khăn. Áo của anh là
mụn nhọt, thức ăn của anh là cơm thừa canh cặn. Ngay cả những thứ rớt từ bàn ăn của người
giàu cũng chỉ nằm lại trong ước muốn của anh. Nhưng rồi, anh La-da-rô được ở trong lòng tổ
phụ. Cánh cổng như đã tách biệt, người giàu chỉ có bè mà không có bạn, chỉ biết tận hưởng mà
không biết quan tâm đến người khác; và anh La-da-rô có bạn là những chú chó đến với anh và
anh sẵn sàng cho luôn ghẻ chốc như một phần thân thể của anh.

Thế rồi, cái chết như là một điểm chuyển đổi từ một cánh cổng hữu hình thành một ranh giới
vô hình. Bởi vì, ai rồi cũng chết, nhưng có người được chôn vào nơi dành cho kẻ chết, cũng có
người được đem đi cư ngụ nơi dành cho kẻ sống. Ranh giới cánh cổng nhà người giàu tưởng
chỉ ngăn cách bên trong và bên ngoài, nay trở thành một vực thẳm lớn giữa cái chết và sự
sống, được ũi an và sự khốn khổ. Theo như lời tổ phụ Áp-ra-ham được Luca trình thuật, bên
trong cánh cổng là người giàu đã được phần phước nên phải chịu khốn khổ, còn bên ngoài
cánh cổng là La-da-rô suốt đời chịu bất hạnh nên xứng đáng được an ủi. Cánh cổng như là
điểm để thiết lập để thể hiện một ranh giới giữa giàu nghèo và trở nên ranh giới giữa sự khốn
khổ và được ũi an.

Rồi khi chấp nhận sự ngăn cách này, người giàu nhận ra lối sống buông thả thiếu tương quan
của mình và ước mong sao những người anh em của mình được biến đổi. Với người giàu, sự
cảnh báo tốt nhất là người sống trỗi dậy, nhưng thật ra sự cảnh báo thật sự đến từ Thiên Chúa
qua các ngôn sứ của Người.

Vậy còn mỗi người anh chị em chúng ta thì sao? Phải chăng đời sống của chúng ta vẫn còn giới
hạn vào cánh cổng nào đó. Cánh cổng làm cho chúng ta nằm yên trong thế giới riêng của mình
mà không biết mở ra cho anh chị em. Hay ngược lại, chúng ta không để cho người chung
quanh đến gần với mình? Chúng ta có thể quên mất, cánh cổng hữu hình sẽ trở nên vực thẳm
vô hình, ngăn cách mình đến với Chúa và ngăn cách chúng ta đến với anh chị em chung quanh.
Và khi ranh giới vực thẳm đã được thiết lập, chúng ta khó có thể đến với sự an ũi, khó được cư
ngụ nơi dành cho kẻ sống.

May mắn sao, chúng ta vẫn còn sống, vẫn còn hiện hữu để nhận ra mình cần phải làm gì để
phá đi cánh cổng ngăn cách, để ranh giới vực thẳm không được hình thành. Đặc biệt hơn nữa,

chúng ta không phải làm điều này một mình mà có anh chị em chung quanh, có Chúa cùng
hướng dẫn và hoạt động. Bởi vì, chính Chúa Giêsu Phục Sinh đã phá tan cánh cửa âm phủ, đã
bẻ gãy xiềng xích tử thần mà xoá bỏ mọi ngăn cách, lấp đầy mọi vực thẳm mà dẫn đưa tất cả
vào nơi dành cho người sống.

Ước mong sao, mỗi người chúng ta luôn nhận ra ‘cánh cổng’ nơi mình để luôn mở ra để trở
thành nơi gặp gỡ, chứ không đóng lại để rồi trở thành ranh giới vực thẳm ngăn cản mọi sự.
Amen.