Feb162025
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Chúa Nhật VI TN. Gr 17,5-8. 1Cr 15,12. 16-20. Lc 6,17. 20-26
Phúc hay Khốn, Ổn hay Loạn?
Có người thắc mắc rằng, vì sao chúng ta có Kinh Tám Mối Phúc Thật mà theo Tin Mừng Luca lại
chỉ có bốn mối? Hơn nữa, thánh sử còn trình thuật thêm bốn lời khốn như là bốn mối hoạ. Đây là
điểm khác biệt và cũng là điểm đáng chú ý khi chúng ta đọc hay nghe các trình thuật khác nhau của
các thánh sử. Vì thật ra, trong các Tin Mừng đây đó cũng nhiều người được trình thuật là có phúc
như Mẹ Maria, cũng không thiếu những lời khốn cho một số thành cùng với dân cư sống trong nó.
Vậy thì theo trình thuật Luca, lời giảng của Chúa Giêsu là Phúc hay Khốn, là Ổn Định hay Loạn cả lên?
Lượt lại Lời Đức Chúa phán theo sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a, có những người đáng nguyền rủa và
cũng không thiếu người được phúc lành. Người đáng nguyền rủa vì lý do: tin ở người đời, cậy vào
sức phàm nhân và mến ai khác chứ không phải Chúa. Ngược lại, người được chúc phúc thì: tin vào
Đức Chúa, cậy trông đặt mình vào lòng Người và mến Chúa trên hết mọi sự. Sự trái ngược này
được miêu tả như là phân tranh giữa chết chóc và sức sống, như bụi cây bất hạnh và cây trồng hạnh phúc.
Điều này dễ dàng nhận ra khi ai đó có dịp nhìn từ máy bay xuống các vùng đất của nước Úc. Những
mãng xanh như hình con rắn uống lượn lại xuất hiện giữa một sa mạc khô cháy. Quan sát kỉ hơn thì
đó là những cây tự nhiên và cũng có thể được trồng dọc theo những con suối nhỏ. Những cây này
luôn xanh tươi giữa mùa hè khô hanh như thế hiện một sức sống mạnh mẽ của người có phúc, còn
lại chỉ là một mảng đất khô như người vô phúc hay đáng nguyền rủa.
Người có phúc và đáng nguyền rủa có sự đối lập là thế còn phần Chúa Giêsu thì mang tính cảnh báo
nhắc nhở hơn là nguyền rủa. Quả thế, theo thánh sử Luca, Chúa Giêsu xác nhận rõ người có phúc là
người nghèo khó, đang đói, đang khóc và đang bị bách hại. Người cũng xót thương cảnh báo những
kẻ giàu có, đang no nê, đang vui cười và đang được ca tụng. Sự trái ngược được xác định rõ giữa
đói và no, khóc và cười còn nghèo khó và giàu có, bách hại và ca tụng thì xem ra chưa thật rõ ràng.
Luca không trình thuật Lời Chúa theo tinh thần nghèo khó mà là người nghèo khó thật sự với sự an
ũi là Nước Thiên Chúa và ngôn sứ thật là người luôn phải chịu bách hại với sự oán ghét, khai trừ, sỉ
vả và coi là đồ xấu xa. Còn người giàu có sẽ không nghèo đi nhưng họ đã được an ũi rồi, còn những
người này có được Nước Thiên Chúa hay không còn tuỳ vào đời sống của họ. Và như một lời cảnh
báo, ngôn sứ giả luôn được ca tụng khi họ chạy theo ước nguyện của thế gian mà quên mất việc rao
giảng Lời Chúa. Với những người này, Chúa không nguyền rủa nhưng luôn tỏ lòng xót thương, tỏ
tâm tình khốn thay cho họ. Như thế, dường như cứ đói nghèo, khóc than, và chịu bách hại là ổn, còn
giàu sang, no ấm, và được ca tụng là loạn phải chăng?
Chưa hẵn là như thế vì như lời rao giảng của thánh Phaolô thì còn cần có Chúa Giêsu Kitô trong đời
của người tín hữu nữa. Vì nếu chúng ta chỉ sống ở đời này, dù bất cứ trong trường hợp nào thì thật
là đáng thương. Nhưng nếu người theo Chúa biết sống không chỉ cho riêng mình mà để Chúa sống
trong đời mình nữa thì mới thật sự là có phúc. Quả là thế, đời sống Kitô hữu mà lại không có Đức
Kitô thì sao gọi là đời sống đạo, đời sống tin-cậy-mến nữa? Đó chỉ có thể là lối sống phản Kitô hay
Kitô hữu giả mà thôi.
Nguyện ước sao, mỗi người anh chị em chúng ta sẽ luôn có phúc vì có Chúa trong cuộc đời của
mình, dù nghèo khó hay giàu có, đói khổ hay no nê, khóc lóc hay vui cười, bị bách hại hay được ca
ngợi. Để rồi, mỗi ngày sống sẽ là một ngày hồng phúc, một ngày tràn ngập sự hy vọng vì Chúa
không chỉ chết mà còn trỗi dậy. Người trỗi dậy mở lối không chỉ cho những ai an giấc ngàn thu mà
còn cho những người đang trong con đường hành hương đầy Vui Mừng và Hy Vọng về Nước Thiên
Chúa là gia nghiệp đời đời. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.