Nov212024
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Thứ Năm Tuần XXXIII TN B.
Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ
Đức Giê-su giơ tay chỉ các môn đệ và nói : Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
46 Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người
đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47 Có kẻ thưa Người rằng : “Thưa
Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với
Thầy.” 48 Người bảo kẻ ấy rằng : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” 49 Rồi Người giơ tay
chỉ các môn đệ và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50 Vì phàm ai thi hành ý muốn
của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
Đó là Lời Chúa
Dâng mình – nên thành viên gia đình Chúa
Trong chuyện vui nhà đạo, có người truyền tai nhau rằng, Chúa Thánh Thần cũng không
đếm được bao nhiêu tên nhà dòng. Hôm nay, mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, có
lẽ chúng ta cũng có thể truyền tai nhau, Chúa Thánh Thần cũng không đếm hết các ngày lễ,
hay các tên gắn liền với Đức Mẹ. Bởi lẽ, nói bao nhiêu cũng không đủ, mà lắm lúc nói một tí
thôi cũng đã là thừa. Không đủ vì ân sủng Chúa tràn đầy trên con người mẹ, còn thừa vì
trình bày có lẽ chỉ giảm đi những gì hiểu biết về Thiên Chúa và Mẹ mà thôi. Dẫu biết thế,
người tín hữu vẫn có thể cảm nhận một phần về việc dâng mình của Mẹ Maria để cùng trở
nên thành viên trong gia đình của Thiên Chúa.
Từ bài Tin Mừng hôm nay, người nào đó sẽ phân vân tự hỏi, như Chúa Giêsu nói rằng: “Ai
là mẹ tôi? Ai là anh chị em tôi?” Câu hỏi thì giống nhưng ý định tìm đáp án thì lại khác
nhau. Vì thường, chúng ta hỏi pha lẫn với sự tò mò về gia đình của Chúa Giêsu, hơn là
thuộc về gia đình đó. Cụ thể, có người thắc mắc là Đức Maria được đặc ân là đồng trinh,
sao còn có những người con khác, những người anh chị với Chúa Giêsu? Đây là những
người đã đến đứng bên ngoài cùng với Đức Mẹ và tìm cách nói chuyện với Chúa Giêsu. Câu
trả lời có thể đơn giản là theo tiếng Hy Lạp, danh từ adelphos không nhất thiết phải là anh
em ruột thịt, mà có thể là anh em họ hoặc những thành viên trong cộng đoàn đức tin.
Cũng thế, tận dụng hoàn cảnh có mẹ và anh em đang đứng ngoài và tìm gặp Người, Chúa
Giêsu đã khẳng định các môn đệ chính là mẹ, là anh em, là chị em của mình. Người đưa ra
lý do để gọi mọi người là thành viên trong gia đình mình là “thi hành ý muốn của Cha tôi,
Đấng ngự trên trời.” Quả là thế, nếu xét về tiếng ‘Xin Vâng’ thì không ai trọn vẹn hơn Mẹ
Maria, tiếp đến chính là các môn đệ, là những người luôn đi theo Chúa và cùng Người thi
hành thánh ý của Chúa Cha. Có thể nói, Chúa Giêsu không phủ nhận tình thân mà còn
khẳng định Mẹ Maria là người mẹ chuẩn mực nhất. Vì Mẹ không những đón nhận Chúa vào
trong cung lòng mình mà còn luôn lắng nghe và thi hành Thánh Ý.
Thế nhưng, Chúa Giêsu không giới hạn thành viên trong gia đình bằng tương quan huyết
thống mà mở rộng đến tất cả mọi người. Tất cả những ai đón nhận Chúa vào trong cuộc
đời mình và bước đi theo Chúa vào trong gia đình của Cha trên trời. Sự mở rộng này cho
mỗi người tín hữu cảm nghiệm rằng, tương quan gia đình ruột thịt là thiêng liêng và đáng
trân trọng nhất. Tương quan này có thể mở rộng ra gia đình thiêng liêng qua cộng đoàn
đức tin và mỗi người là anh chị em với nhau trong đại gia đình này.
Bí quyết để làm thành viên trong gia đình này cũng thật đơn giản, như chính Mẹ Maria đã
được nuôi dưỡng và dâng hiến trong đền thờ vậy. Một sự dâng hiến thể hiện sự vâng phục
đón nhận mọi sự từ Chúa và thi hành những gì đã đón nhận. Đây cũng sẽ là bí quyết của
mỗi người chúng ta khi biết dâng hiến tất cả, cả thể xác lẫn tâm hồn, và gia nhập vào gia
đình thánh mỗi ngày một hơn.
Ước mong sao, mỗi người chúng ta đều nhận ra mình đã làm thành viên trong gia đình
Thiên Chúa từ khởi đầu và đặc biệt qua bí tích Thánh Tẩy thì vẫn luôn trung thành lắng
nghe và làm theo ước muốn của Thiên Chúa là cha, Chúa Giêsu là anh. Amen!
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.