Oct312024

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên Năm B

Thứ Năm tuần XXX Thường niên | Tổng Giáo Phận Hà Nội

Thứ Năm Tuần XXX TN. Lc 13,31-35
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
31  Khi ấy, tại Giê-ru-sa-lem, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng : “Xin
ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông !”  32  Người bảo họ : “Các ông
hãy đi nói với con cáo ấy thế này : ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh
tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.  33  Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp
tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.’
34  “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được
sai đến cùng ngươi ! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp
gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.  35  Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc
cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay : các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa
cho đến thời các ngươi nói : Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !”
Đó là Lời Chúa

 

Tâm tình của ngôn sứ
Có người thắc mắc rằng, ngôn sứ và tiên tri thì có gì khác nhau? Nói cách chung, hai từ này có thể
sử dụng hoán đổi cho nhau. Cách cụ thể, ngôn sứ là “người được sai đi để thay mặt Chúa và nói
lên lời của Người”; tiên tri là “người nói ra điều đã được biết trước đó nhờ Thiên Chúa linh ứng
với niềm tin rằng lời loan báo sẽ được thực hiện.” Như thế, ngôn sứ diễn tả nhiệm vụ còn tiên tri
chỉ tính chất. Vậy nếu hiểu ngôn sứ là chức vụ của Chúa Giêsu thì liệu Người có tâm tình như thếnào?
Tin Mừng hôm nay ghi nhận lại thái độ từ chối của nhóm biệt phái dành cho Chúa Giêsu. Họ đã
không còn nghĩ trong lòng mà đến thẳng thắn thưa cùng Chúa và ‘mời’ Người ra khỏi thành
Giêrusalem. Điều đầu tiên, có thể nói, ngôn sứ luôn học cách đón nhận những sự chối từ đến từ
nhiều phía khác nhau, đặc biệt là giới lãnh đạo. Đối mặt với sự từ chối với danh nghĩa bảo vệ
Người khỏi bàn tay sát hại của vua Hêrôđê, Chúa Giêsu nói rõ kết hoạch của mình. Việc công khai
kế hoạch như khẳng định việc Người sẵn sàng đón nhận tất cả và không sợ đối diện với nguy
hiểm. Như một ngôn sứ, Chúa khẳng định Người được sai đi để thay mặt Chúa Cha và để loan báo
Tin Mừng. Nếu Người có chết thì cũng chết trong Chúa Cha, trong thành thánh Giêrusalem chứ
không thể chết ngoài thành được.
Hiểu như thế, chúng ta càng thấu tỏ hơn tâm tình của Chúa Giêsu như một vị ngôn sứ. Người
không phán xét nhưng hằng tiếc thương cho số phận của một thành thánh. Thành được xem là
nơi cư ngụ của Thiên Chúa, là nơi thuộc về Chúa và luôn có Chúa hiện diện. Thế mà, thay vì đón
nhận Tin Mừng, thì dân chúng thành này chỉ biết từ chối, bách hại, cũng như ném đá những ngôn
sứ đại diện Chúa mà đến. Dường như, người dân của thành thánh đã quên mất sự che chở và tâm
tư muốn bảo vệ của Thiên Chúa dành cho họ. Để rồi, ngay cả Chúa Giêsu cũng phải thốt lên một
lời ‘sẽ’ bỏ mặc như để cho họ tự sinh tự diệt. Lưu ý ở đây là Chúa hằng thương quy tụ rất nhiều
lần trong quá khứ và hiện tại, còn lời bỏ mặc như tâm tình xót thương có thể sẽ diễn ra trong
tương lai mà thôi.
Chính những điều này cũng thể hiện tâm tình của vị ngôn sứ, cách cụ thể qua tâm tình của Chúa
Giêsu. Đó là tâm tình đặt kế hoạch của Chúa Cha trên tất cả để đón nhận những gì có thể xảy đến
cho mình, dù được đón tiếp hay chối từ, được tôn trọng hay doạ nạt xua đuổi. Tâm tình đó đôi lúc
được thực hiện bằng cả mạng sống và sự thật, Chúa đã đón nhận tất cả, kể cả cái chết xảy đến cho
mình. Tâm tình đón nhận còn được thể hiện rõ qua sự khóc thương thay vì phán xét, ước mong
bảo vệ quan phòng hơn là phá huỷ, bỏ mặc.
Đây cũng là tâm tình của mỗi người Kitô hữu khi thực hiện vai trò ngôn sứ của mình. Là ngôn sứ,
người tín hữu được mời gọi học biết đặt để Ý Chúa trên tất cả mọi sự mà không bị xao lãng bởi
những doạ nạt, bách hại của giới lãnh đạo. Dù có phải đối diện với cái chết vì thi hành thánh Ý thì
cũng chẳng màng. Bởi lẻ, người tín hữu thà mất mạng trong nhà Chúa còn hơn giữ được mạng
mình mà sống trong trại ác nhân. Không những thế, người theo Chúa còn được mời gọi sống
trong một tâm tình thương tiếc biết nhận ra số phận bi thảm của người anh chị em chung quanh.
Có như thế, người ngôn sứ của Chúa biết cảm thương, chia sẻ hơn là xét đoán, tố cáo gây ra
những chuyện thương tâm.
Ước mong sao, mỗi người anh chị em chúng ta luôn sống với tâm tình ngôn sứ như Chúa Giêsu.
Để rồi, mỗi ngày dù có đối diện với những chán ghét, chê trách, doạ dẫm thì chúng ta vẫn vui
mừng và an vui tiến bước. Vì chúng ta biết rằng, Chúa cũng hằng thương tiếc mỗi người chúng ta,
dù chúng ta có nổi lên chống lại Chúa, có từ chối, hay thậm chí giết hại cả những người Chúa gởi
đến. Đến bao lâu chúng ta còn biết trở về Chúa sẽ luôn đón nhận. Amen!

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.