Sep292024
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B
Lời Chúa: Ds 11:25-29; Gc 5:1-6; Mc 9:38-48
Người nào trong Nước Thiên Chúa?
Có khi nào chúng ta tự hỏi, người trong Nước Thiên Chúa sẽ có hình dạng như thế nào
không? Có người cho rằng, người trong Nước Trời có tình trạng cơ thể đẹp nhất, khoẻ mạnh
nhất, lành lặn nhất. Người khác lại đùa rằng, người trên Thiên Đàng toàn là những người thiếu
tay, thiếu chân, và thiếu cả mắt nữa. Lý do là vì Chúa nói thà thiếu một phần thân thể mà vào
Nước Thiên Chúa còn hơn. Vậy liệu rằng, người vào Nước Thiên Chúa là những người nào, họ
có đầy đủ các phần cơ thể không?
Trong bài trích sách Dân Số, dường như không đề cập đến người vào Nước Thiên Chúa
mà tập trung vào các ngôn sứ. Chúng ta có thể hiểu, ngôn sứ không chỉ là người được
Chúa cho nói lời của Người để tiên báo những gì sẽ diễn ra mà còn được ơn giải thích
những lời đó nữa. Ví như Môsê, ông là người nói lời của Đức Chúa và giải thích những lời ấy.
Ông không giành Chúa cho một mình ông, hay cho một nhóm kỳ mục tập trung quanh ông. Ông
sẵn sàng xác nhận, hai người kỳ mục khác ở trong trại riêng không đến Lều thì Thần Khí của
Đức Chúa vẫn ngự trên họ. Có thể nói, Môsê biết chế ngự tính ghen tuông và chiếm hữu của
mình mà nhận ra tất cả mọi người đều thuộc về Chúa và cũng có thể được Người ban Thần Khí.
Một thái độ tương tự cũng đã được tái hiện nơi Chúa Giêsu Kitô khi Người dạy bảo ông
Gioan. Người khẳng định rằng, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. Quả thật,
Chúa Giêsu đã không chiếm hữu bất cứ ai, hay đòi buộc người khác phải theo mình. Người tin
tưởng vào những ai dùng danh của mình mà trừ quỷ vì họ sẽ không nói xấu về mình. Còn việc
những người đó có công khai đi theo Chúa hay không thì không quan trọng. Một cách gián tiếp,
Chúa Giêsu còn xác định người theo Chúa thật sự là người như thế nào. Đó là những người sẽ
được vào cõi sống đời đời, cũng chính là Nước Thiên Chúa.
Theo như bài Tin Mừng, câu đùa về người trong Nước Thiên Chúa toàn là người thiếu
phần thân thể có lẽ đúng theo nghĩa câu chữ. Bởi vì, Chúa mời gọi hãy chặt tay, chặt
chân, móc mắt vì chúng là cớ vấp phạm. Nếu thật sự như thế, ai trong chúng ta cũng ít
nhất một lần vấp phạm thì sao còn nguyên vẹn thân thể nữa. Những bộ phận gắn liền với
thân thể như tay, chân hay mắt, thì làm sao có thể bị ‘chặt’, bị ‘móc’ mà theo Chúa được? Thế
mới biết, việc Chúa mời gọi qua lời dạy bảo về hành động ‘chặt’ và ‘móc’ thật quyết liệt và
dứt khoát. Thật ra, Chúa muốn mời gọi một cách ẩn dụ cho những ai theo Người phải sẵn sàng
và dứt khoát chặt đứt những gì còn níu tay, níu chân, níu lại tầm nhìn của mỗi người. Bởi lẽ, tay
như là hành động, chân như là hành trình và mắt như tầm nhìn đi vào tư tưởng mỗi người.
Quả là thế vì lắm lúc chúng ta vẫn chưa ra tay làm những điều tốt lành mà trái lại không
ngừng làm điều xấu xa. Chúng ta vẫn còn dừng bước trên nẻo chính đường ngay nhưng lại
không ngừng đi xa Chúa, không ngừng bước trên con đường bất chính. Phải chăng cũng vì mắt
chúng ta thấy những điều không nên thấy, tư tưởng của chúng ta vẫn còn bám chặt vào những
mưu thâm chước độc của tà thần? Có lẽ tâm trí chúng ta vẫn còn bám vào tài sản mau hư mất,
chỉ lo tích trữ của phù vân. Hành động của chúng ta còn gian lận, và vẫn còn bước đi trong đời
sống xa hoa, vẫn buông theo khoái lạc. Đã thế, có người còn giết hại người công chính nữa.
Nguyện ước sao, chúng ta sẽ sớm nhận ra đâu là những cớ gây ra vấp phạm cho mình và cho
anh chị em chung quanh; để rồi, mỗi người chúng ta sẽ sớm biết ‘chặt’, biết ‘móc’ một cách dứt
khoát mà bước theo Chúa trên con đường tiến vào Nước Thiên Chúa. Dẫu biết rằng, khi bị
chặt, bị móc thì rất đau, rất khó chịu nhưng thà thiệt thân mà theo Chúa còn hơn. Amen!
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.