Sep222024

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Chúa Nhật XXV B. Kn 2,12. 17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
Ai là người đấng đầu?

Đôi lúc, những tin tức như là giáo hội có thêm các hồng y, giáo phận có giáo mục mới, nhà
dòng có cha bề trên mới hay được quan tâm và chia sẻ rộng rãi. Dường như, nhiều người
quan tâm đến địa vị, chức vụ, và ai cũng muốn làm người lớn nhất, là người đứng đầu. Thế
nhưng, mấy ai biết được chức vụ sẽ đi liền với trách nhiệm, người lớn người đứng đầu sẽ là
người phục vụ? Vậy thì thực sự mấy ai có thể là người đứng đầu, mấy người thật sự là
người phục vụ anh chị em chung quanh mình?
Có lẽ, người đứng đầu thật sự chỉ có được khi người đó trãi qua những cạm bẫy, đón nhận
những tố cáo, hạ nhục, tra tấn và thậm chí bị kết án cho chết nhục nhã. Những trãi nghiệm
đó chính là mưu thâm chước độc của phường vô đạo nổi lên chống người công chính. Bởi
vì, người công chính đã đứng lên chống lại những hành động sai trái, thiếu công lý và hoà
bình. Điểm đặc biệt là phường vô đạo cũng dường như biết được đâu là công chính thật và
đâu là loại công chính giả tạo. Sự thật, người công chính là Con Thiên Chúa, là người được
Thiên Chúa phù hộ và cứu giúp. Dẫu người công chính có bị kết án tử thì vẫn được Thiên
Chúa viếng thăm. Phải chăng đâu cũng là dấu hiệu của người đứng đầu, sẵn sàng đón
nhận tất cả, hy sinh phục vụ cho dẫu nguy hiểm đến tính mạng của mình?
Câu trả lời có lẽ được Chúa Giêsu hé mở phần nào trong Tin Mừng. Vì theo Máccô, đây là
lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Lần này Chúa không
dạy bảo công khai mà chỉ muốn danh riêng cho môn đệ của Người. Lắng nghe lời dành
riêng cho mình, các môn đệ dẫu phân vân mà vẫn sợ không dám hỏi thăm lại Người. Trái
lại, các ông lại cãi nhau về vấn đề khác trên đường về. Các ông tập trung vào tranh luận
xem ai là người lớn hơn cả. Quả thật là đau lòng về sự trái ngược, thay vì quan tâm đến số
phận của thầy mình thì các ông lại chú ý đến vị trí của mình. Các ông quên mất, Chúa
Giêsu đã dành sẵn vị trí cho các ông, nhất là nhóm Mười Hai vốn tượng trưng cho mười
hai chi tộc Israel.
Thế mới biết, hành trình huấn luyện trên đường của Chúa Giêsu dành cho các muôn đệ
thật không dễ dàng. Dẫu đi theo sát Chúa Giêsu, các ông vẫn chưa thật sự thấu rõ hết tâm
tư của thầy mình. Cũng vì thế, Chúa vẫn luôn dạy bảo và nhắc nhở các ông vì ý nghĩa hay
đúng hơn là căn tính thật sự của người theo Chúa, nhất là những người đứng đầu. Đó là
những người được xem là rốt hết, là người tôi tớ phục vụ chứ không phải được phục vụ.
Thú vị thay, Chúa đã dùng hình ảnh một em nhỏ mà trong tiếng Aram cũng có nghĩa là
người tôi tớ để nhắc nhở Nhóm Mười Hai. Có thể nói, Chúa bắt đầu từ nhóm lớn, rồi dần
dần thu hẹp lại các môn đệ và cuối cùng tập trung vào nhóm các tông đồ. Người nhắc các
tông đồ rằng, đừng xem thường người nhỏ bé như em nhỏ hay người tôi tớ. Bởi lẻ, hình
ảnh Thiên Chúa được tỏ rõ trong những người bé nhỏ như thế. Cũng vì mang thân nhỏ bé,
là người tôi tớ nên ít người có thể nhận ra Chúa trong đời.
Thế mới biết, tình trạng đời sống đôi khi được phản ánh qua câu nói nữa đùa nữa thật:
“Ghế thì ít mà đít thì nhiều.” Nhiều lúc, sự bất hoà hay chiến tranh đang khởi phát trong
lòng mỗi người vì cũng muốn tìm vị trí, cũng muốn ngồi mà quên mất mình phải đứng, phải
quỳ xuống phục vụ. May mắn sao, Chúa vẫn đặt để và nhắc nhở lương tâm mỗi người về vị
trí thật sự của Thiên Chúa không phải nơi cao sang quyền quý mà nơi những người bé

mọn. Và vẫn còn đó bao gương mẫu hy sinh phục vụ quên mình không phải vì vị trí ở đời
này mà được Chúa dành sẵn trên quê trời.
Chúng ta hãy hiệp ý cho những người đấng đầu và cho mỗi người chúng ta luôn biết nhận ra
Chúa nơi những người bé mọn, để phục vụ trong mọi lúc nơi mọi người. Amen!

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.