Sep082024

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Chúa Nhật XXIII Thường Niên B. Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37
Ép-pha-tha! Đã mở ra sao còn cấm kể?
Chuyện xảy ra trong một buổi chia sẻ Lời Chúa của các Giáo Lý Viên
và Huynh Trưởng cùng với cha tuyên uý. Một anh đã chia sẻ rằng,
Chúa Giêsu thật có tài marketing, hay tạm gọi là có tài quảng cáo. Lý
do là vì Chúa biết con người thường thích làm điều bị cấm nên Chúa
Giêsu cấm không có nói về Người. Để rồi, tất cả những gì về Chúa
đều được loan truyền rộng rãi. Liệu rằng có thật như thế không? Nếu
không thì vì sao mà Chúa mở tai, mở miệng rồi lại cấm không được
kể?
Lý do dường như không được nhắc đến trong sách ngôn sứ I-sai-a.
Trong đây, trình thuật nhắc đến một ngày báo phục, ngày mà Thiên
Chúa thưởng phạt công minh. Trong ngày đó, người mù được thấy,
người điếc nghe được, người què nhảy nhót và người câm nói được.
Ngày đó không chỉ đem lại sự giải thoát cho con người mà con mang
sinh khí đến cho muôn loài. Chính nước là biểu tượng sự sống sẽ vọt
lên trong sa mạc, sẽ tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. Khi đó, cả đất
trời cũng mở ra, đất nóng thành hồ ao, nơi khô cằn có nước dồi dào.
Tất cả điều này như báo hiệu một thời điểm đặc biệt của sự an bình
thịnh thế.
Trở lại trường hợp Chúa Giêsu, những dấu hiệu tiên báo đã được thực
hiện. Chúa đã cho người bị điếc và ngọng có thể nghe nói được rõ
ràng. Phải chăng chính thời điểm này, ngày báo phục đã đến? Câu trả
lời có thể đúng và cũng có thể không.
Đúng là vì khi Chúa Giêsu đến và thi hành sứ mạng của mình, những
điều tiên báo đã được thực hiện. Chúa đã đến để giải thoát dân Người
khỏi những giam cầm về thể lý như là mù, điếc, què, câm, bịnh tật,
quỷ ám và những trở ngại khác nữa. Thế nhưng, thay vì báo phục,
thay về phán xét, Chúa lại tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa. Quả là thế,
Thiên Chúa thật công minh nhưng cũng giàu lòng thương xót. Người

mời gọi mỗi người đừng chỉ dừng lại ở thân xác hư mất ở bên ngoài
mà đi vào tâm hồn thiêng liêng bên trong.
Thế mới hiểu, Chúa không màng danh thơm tiếng tốt, và sẵn sàng cấm
ngặt mọi đồn đoán về Người. Điều này xảy ra nhiều lần trong cuộc đời
hoạt động của Chúa Giêsu (Mc 1,34; 1:44-45; 5:43; 8:23). Mọi đồn
đoán dù là tốt hay xấu cũng không phù hợp kế hoạch của Thiên Chúa.
Đúng hơn, Chúa không muốn tập trung vào các phép lạ người làm mà
nhấn mạnh đến hành trình đức tin của mỗi người. Dù có lời giải thích
khác cho rằng, Chúa Giêsu không muốn gặp rắc rối với người Do Thái
hay những người đang thù ghét hạ bệ Người.
Dù là lý do gì đi chăng nữa thì Chúa cũng đã chữa lành và cấm kể.
Điểm đặc biệt là Chúa chữa lành một cách riêng tư khi kéo anh chàng
ngọng điếc ra khỏi đám đông. Nhưng rồi, lệnh cấm kể lại được truyền
đạt cho tất cả mọi người một cách công khai. Như thế, lệnh cấm
không chỉ dành riêng cho ai mà cho tất cả những ai đi theo Chúa. Có
lẽ, lời Ép-ra-tha – hãy mở ra là dành cho muôn người, cho những ai
đang mù, điếc, què, câm, bịnh tật, quỷ ám và những trở ngại khác nơi
tâm hồn. Như thế, luyện truyền ‘cấm kể’ hay khép lại cũng cần được
quan tâm thực hiện.
Như thế, mỗi người anh chị em chúng ta đều được mời gọi hãy mở ra
để đối xử công bằng, tránh thiên tư như lời của thánh Giacôbê tông
đồ. Bởi lẽ, mỗi người vẫn còn đang giới hạn trong tầm nhìn của mình.
Chúng ta cứ mãi chạy theo những gì phù du bên ngoài. Một cách cụ
thể, nhiều người vẫn còn tập trung vào trang sức, quần áo bên ngoài
rồi xem vinh hoa phú quý là cùng đích. Thế là, chúng ta quên mất,
Chúa công minh và giàu lòng thương xót lại đoái thương đến những ai
khốn khổ, nghèo hèn. Điều Chúa ghé mắt nhìn đến là sự giàu có trong
đức tin, mạnh mẽ trong đức cậy và dồi dào trong đức mến. Hiểu như
thế, chúng ta nên khép lại những gì tạo nên sự phù vân, những gì mau
hư mất.

Nguyện ước sao, mỗi người theo Chúa đều có thể nhận ra những gì
trong tâm hồn cần được ‘mở ra’ khi đón nhận sự chữa lành của Thiên
Chúa. Và cũng ước mong sao, mỗi người cũng sẽ biết ‘khép lại’
những hào nhoáng bên ngoài để vững tiến trên con đường nội tâm.
Amen!