Apr062025

Fr Thắng nguyễn Như MSC

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM C
– Bài đọc I: Is 43:16-21
– Bài đọc II: Pl 3:8-14
– Bài Tin Mừng: Ga 8:1-11
Câu chuyện xét xử người phụ nữ phạm tội ngoại được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay đã phơi bày sự tương phản rất rõ giữa Thiên Chúa và con người trong việc thực thi lòng thương xót. Việc suy gẫm sự tương phản này giúp sẽ giúp chúng ta xét mình để nhận ta hiện trạng đời sống thiêng liêng của mỗi người mà hoán cải quay trở về với Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.
Câu chuyện bắt đầu bằng sự kiện các Kinh sư và người Pha-ri-sêu gài bãy Chúa Giê-su khi họ đề nghị Ngài xét xử người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Nếu Chúa Giê-su từ chối ném đá người phụ nữ ấy thì Ngài đã công khai chống lại luật Mô-sê được qui định trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 22:23). Nếu đồng ý bản án này thì Chúa Giê-su đã hiển nhiên phủ nhận các giá trị Tin Mừng mà Ngài đã dạy nơi luật yêu thương của Ngài. Cái bẫy này quả là tinh vi và thâm độc.
Tuy nhiên, cái bẫy dù thâm độc đến đâu cũng không thể thắng được sự khôn ngoan của Chúa Giê-su. Ngài đã xoay chuyển tình huống gây cấn này bằng cách mời gọi họ tự vấn lương tâm của chính mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.”
Chi tiết “bắt đầu từ người lớn tuổi” là một điều thú vị đáng được chú ý ở đây bởi vì nó phơi bày một thực trạng hiển nhiên. Thực trạng hiển nhiên đó là tuổi tác luôn đi kèm với tội lỗi cùng với sự khôn ngoan trong việc nhận ra ý nghĩa sâu sắc nơi thông điệp của Chúa Giê-su. Khi tự vấn lương tâm mình, “những người lớn tuổi” đã nhận ra tình trạng tội lỗi của chính mình mà buông thả hòn đá trên tay và bỏ đi trước, nêu gương cho người trẻ hơn. Vì là tội nhân nên họ tự ý thức rằng họ không có quyền cũng như không có đủ tư cách kết án người phụ nữ này.
Trong khi đó, dù có đủ thẩm quyền xét xử phiên toà này, Chúa Giê-su đã không kết án bà ấy, “Tôi không kết án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Cách xét xử thấu tình đạt lý này của Chúa Giê-su tỏ rõ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, (Mt 12:20) bởi vì sứ vụ yêu thương của Ngài là“tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19:10)
Cách xử án đầy bao dung của Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu đúng lòng thương xót đích thực của Thiên Chúa. Ngài thương xót tội nhân nhưng rất ghét tội. Như vậy, thương xót đích thực không phải là bao che hay làm ngơ trước những việc làm sai trái mà là trao ban sự thấu cảm, đem đến niềm tin và hy vọng vào một cuộc sống mới, và đồng thời thách đố hối nhân từ bỏ tội lỗi mà trở về với Thiên Chúa để được Ngài yêu thương và chăm sóc.
“Thánh nhân nào cũng có một quá khứ, tội nhân nào cũng có một tương lai.” Tất cả mọi người đều có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực còn tuỳ thuộc vào mối tương quan của mỗi người với bản thân mình, với Chúa và với nhau.
Xin cho mỗi người nhìn nhận thân phận yếu đuối mòng giòn của bản thân mà bao dung với những lầm lỗi của nhau ngỏ hầu trở nên giống Thiên Chúa là Cha Đấng Giàu Lòng Xót Thương. Amen.
Xin chúc một tuần Mùa Chay mới thật an lành và ý nghĩa.
Fr Thắng Nguyễn Như, msc
“Nhận nhưng không thì cho đi nhưng không.” Mong cả nhà cùng chung tay làm cho Lời Chúa được vang xa bằng cách chia sẻ bài suy niệm này đến những ai cần nhé. Xin chân thành cám ơn.