Mar302025
Fr Thắng nguyễn Như MSC
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM C
– Bài đọc I: Gs 5:9a.10-12
– Bài đọc II: 2 Cr 5:17-21
– Bài Tin Mừng: Lc 15:1-3.11-32
Chúa Nhật thứ IV của Mùa Chay được gọi là Chúa Nhật Hồng – Chúa Nhật của niềm vui. Đó chính là niềm vui của đại gia đình “Người Cha Nhân Hậu” khi “Đứa Con Hoang Đàng” trở về để giao hòa với Ngài và với nhau. Niềm vui ấy đã cuốn đi những tủi nhục của Người Con Thứ và đã cất đi những nỗi lo lắng khôn nguôi của Người Cha. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng chiêm ngắm Người Cha Nhân Hậu để tận hưởng niềm vui khôn tả này.
Người Cha luôn thương yêu cả hai người con trai của mình với một tình yêu vô điều kiện. Người cho họ tất cả mọi sự và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho chúng. Chính vì yêu vô điều kiện như thế, Người Cha đã tự làm cho mình trở nên dễ bị tổn thương theo nghĩa là Người tôn trọng quyền tự do tuyệt đối của họ trong việc đón nhận hay từ chối tình yêu của mình. Và thật đáng buồn là tình yêu vô bờ của Người Cha đã bị họ từ chối theo cách riêng của chúng.
Người Con Thứ, vì muốn thoã mãn đam mê và khát vọng trần tục của bản thân, đã cương quyết lìa xa vòng tay yêu thương của Cha. Thế nhưng, cách hành xử của Người Cha khiến chúng ta ngỡ ngàng và kinh ngạc. Người không những không có một lời trách mắng hay chấp tội mà ngày ngày trông ngóng cậu ấy trở về.
Sự trở về của Người Con Thứ đã làm hoan lạc tâm hồn héo hon vì chờ đợi của Người Cha. Ông đã chạy đến “ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để”, rồi phục hồi phẩm giá làm con của cậu ấy qua việc sai các đầy tớ mặc áo đẹp cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ dép vào chân cậu.
Cách hành xử đầy yêu thương của Người Cha dành cho Người Con Hoang Đàng cho phép chúng ta tin rằng tình thương của Ngài dành cho cậu ấy trước khi sa ngã còn mạnh mẽ và nồng nàn hơn rất nhiều. Chính tình thương vô bờ và vô điều kiện của Người Cha là nguồn sức mạnh cho cậu ấy bước ra khỏi cuộc đời nhơ nhuốc và tội lỗi mà trở về bất chấp mọi xấu hổ hay nỗi sợ bị trừng phạt.
Trong khi đó, Người Con Cả dù sống gần Cha nhưng lòng anh cách xa Cha mình vời vợi. Anh không sống với Cha mình trong tâm tình cha-con mà trong tâm tình chủ-tớ. Ngoài ra, anh còn phủ nhận luôn tình huynh đệ khi gọi em mình là “thằng con của Cha.” Sự tức giận và ghen tị đã ngăn cản anh ấy bước vào nhà để chia sẻ niềm vui khôn tả của cả gia đình mình. Có thể nói, ở một mức độ nào đó, anh ấy cũng đã đi hoang từ lâu rồi.
So với Người Con Thứ, sự đi hoang của Người Anh Cả có phần nghiêm trọng hơn và hành trình trở về còn gian nan hơn rất nhiều bởi vì anh ấy không nhận ra tình trạng đi hoang của mình.
Chúa Giê-su dùng nhân vật Người Con Cả để ám chỉ những người Pha-ri-sêu và các kinh sư, những người luôn tự hào về sự công chính của bản thân mà chỉ trích Chúa Giê-su khi Ngài giao du với các người thu thuế và các người tội lỗi.
Có lẽ, khi soi mình vào câu chuyện dụ ngôn này, có lúc chúng ta sẽ nhìn thấy bản thân mình nơi nhân vật Người Con Cả này. Đó là lúc chúng ta tự “phong thánh” bản thân qua những việc đạo đức đã làm và tự cho mình làm chuẩn mực để xét đoán và kết án người khác. Dấu chỉ để nhận biết tình trạng “đi hoang” của bản thân là không thể nhận thấy lỗi lầm của mình khi xét mình.
Có thể nói dụ ngôn này là câu chuyện của mỗi người. Dụ ngôn này kết thúc mà không biết Người Con cả có vào nhà chung vui cùng gia đình hay không. Tuy nhiên, kết thúc mở này là một lời mời gọi mỗi người tự kết thúc câu chuyện của chính mình. Và chất lượng cuộc sống của mỗi người ở đời này lẫn đời sau tuỳ thuộc vào cách chúng ta kết thúc câu chuyện của riêng mình.
Trong tâm tình hân hoan của Chúa Nhật Hồng, xin cho mỗi người mặc lấy tâm tình của Người Con Thứ quyết tâm trở về với Chúa là Cha giàu lòng xót thương để chia sẻ niềm vui bất tận với Ngài. Amen.
Trong tâm tình đó, hãy cùng lắng nghe và suy gẫm một ca khúc rất ý nghĩa và sâu lắng “Người Cha Nhân Hậu,” một sáng tác của hai nhạc sĩ Đinh Công Huỳnh và Huỳnh Mình Kỳ, do ca sĩ Anh Tuấn trình bày.
Xin chúc một tuần Mùa Chay mới thật an lành và ý nghĩa.
Fr Thắng Nguyễn Như, msc
“Nhận nhưng không thì cho đi nhưng không.” Mong cả nhà cùng chung tay làm cho Lời Chúa được vang xa bằng cách chia sẻ bài suy niệm này đến những ai cần nhé. Xin chân thành cám ơn.