Mar302025

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Chúa Nhật IV Mùa Chay. Gs 5,9-12. 2 Cr 5,17-21. Lc 15,1-3. 11-32

Hoà giải, hy vọng chết đi sống lại?

Có người cho rằng, làm người công giáo thật là sướng, nhất là cứ thoải mái phạm lỗi, cứ làm điều
xấu, vì rồi đi xưng tội là được tha hết. Đây đôi khi cũng là cách nhìn của nhiều người tín hữu khi nhìn
về sự hoà giải như là một chiếc máy giặt và tội lỗi như là những vết bẩn trên quần áo. Thế là, những
người này cứ thoải mãi sử dụng chiếc áo trắng của mình, vì cứ vấy bẩn thì đem đi giặt thôi. Vâng,
làm người tín hữu mà tin tưởng vào Chúa sẽ tẩy sạch mọi vết nhơ là sướng như thế đó. Nhưng tiếc
rằng, vẫn còn đó nhiều người, ngay cả việc đi giặt quần áo cũng chưa thực hiện được. Vậy phải
chăng, sự hoà giải chỉ đơn giản như việc giặt quần áo, hay đó là một quá trình đầy hy vọng qua sự
chết đi sống lại?

Khởi đi từ bài đọc I, dân Ít-ra-en được trình thuật với một sự vui mừng hoan hỉ. Bởi vì, dân đã trãi
qua hành trình 40 năm trong sa mạc, đã được vào Đất Hứa. Chính sự kiện này làm nổi bật lên một
phần giao ước đã được thực hiện khi Đức Chúa ban cho dân chổ an cư. Nhưng trên hết, dân Chúa
được nhắc nhở rằng, chính Đức Chúa đã cất khỏi họ ‘cái ô nhục của người Ai Cập.’ Bởi vì, khi ở đất
Ai Cập, dân có đông, thức ăn có đủ, thì dân cũng chỉ sống như những người nô lệ bị áp bức bốc lột. Ở
đó, họ bị sỉ nhục, họ đã sống nhưng như là đã chết. Khi vào Đất Hứa, dân Chúa như đã sống lại khi
được mừng lễ Vượt Qua, được ăn thổ sản và tự do tận hưởng hoa màu trong vùng đất mới. Đây là
một tóm lược sơ bộ về hành trình hoà giải, chết đi sống lại của dân Chúa qua trình thuật của Giô-suê.

Hành trình chết đi sống lại này dường như cũng được trình thuật qua hình ảnh người cha, người con
thứ và người con cả. Từ một cách nhìn chung, người cha được biết đến với đặc tính nhân hậu, là hình
ảnh Thiên Chúa Cha luôn yêu thương, chờ đợi và sẵn sàng tha thứ cho người con của mình. Thế
nhưng, chúng ta có biết chăng, khi người con đến xin chia gia tài thì cũng là lúc người cha đã chết đi.
Vì theo lẽ thường, gia tài của một người chỉ được chia khi người đó đã mất đi. Như một cách gián
tiếp, người cha đã chết đi khi chia tài sản cho hai người con.

Còn người con thứ thì sao? Có lẽ, khi anh rời khỏi gia đình mà sống phóng đãng, phung phí để rồi
phải sống kiếp chăn heo thì anh cũng dần dà chết đi. Để rồi, khi anh ao ước được ăn thức ăn của heo
thì cũng là lúc anh tự xem mình không bằng con vật nữa. Đó chẳng khác gì một sinh vật đang đội lốt
người nên một cuộc sống như thế thì khác gì của một người đã chết. Đó là một kiếp sống không còn
mang thân phận con người thật sự nữa.

Còn lại người con cả thì thế nào, anh này không can hệ gì sao? Có lẽ, người con cả là người vô
thưởng vô phạt vì anh cũng được chia gia tài và vẫn chu toàn sứ vụ của mình qua các công việc ở
ngoài đồng. Anh là một người con nhưng tự xem mình như một người làm công, một kẻ hầu người hạ
cho cha mình. Tương quan với cha, anh không làm trái lệnh cha mình mà anh cũng không ngăn cản
người em của mình. Như thế, xem ra anh cũng đã chết đi cho thân phận làm người con của mình. Để
rồi, khi nghe biết về người em, anh xem nó như đã chết với sự ra đi hoang của nó.

Vậy còn mỗi người anh chị em chúng ta? Chúng ta có đang chết đi một cách nào đó không? Nếu có,
thì chúng ta hãy chết đi cho những lỗi phạm của mình để rồi sống lại khi hoà giải với Chúa, với anh
chị em và chính mình. Như là trong vai trò như người cha, chúng ta được mời gọi hãy luôn biết kiên
nhẫn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ. Chúng ta được sống lại khi đón nhận người khác trở về với mình,
không chỉ có con thứ mà còn người con cả nữa.

Cũng như là người con thứ, chúng ta cỡi bỏ vỏ bọc của mình mà hồi tâm trở về với Chúa. Vì chúng ta
tin tưởng rằng, Chúa luôn giữ lấy nhân phẩm của mình và sẵn sàng phục hồi cho chúng ta, không phải
là thân phận tôi tớ mà là thân phận người con.

Và có lúc, chúng ta cũng chính là người con cả, những tưởng là không có lỗi lầm gì mà còn luôn gọi
dạ bảo vâng nữa. Nhưng thật ra, chúng ta cũng đã đánh mất thân phận của mình khi không biết nhận
ra Chúa là Cha, nhận người khác là anh chị em và chính mình đang thừa hưởng gia tài của Cha. Vậy
chúng ta hãy vui mừng hoan hỉ chứ đừng ganh tị mà chung vui với Chúa với anh chị em đang sám hối
trở về.

Nguyện ước sao, chúng ta luôn được hoà mình vào niềm vui đặc biệt chết đi sống lại trong ngày Chúa
Nhật Hồng Mùa Chay này, để rồi, chúng ta nhận ra sự hoà giải không phải chỉ là việc đi giặt đồ,
nhưng là một hành trình biến đổi tương quan. Đây là một hành trình được đảm bảo bởi chính Chúa
Giêsu Kitô, Đấng hoà giải của chúng ta. Amen