Jan192025

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Chúa Nhật II Thường Niên C. Is 62,1-5; 1 Cr 12,4-11; Ga 2,1-11

Hương Vị Ngon Khi Giờ Chưa Đến
Chuyện về một linh mục mới vừa quay trở lại nước Úc sau khi đã truyền chức. Vì khi ở Úc vẫn còn
là sinh viên nên ít có cơ hội tiếp xúc nhiều hương vị đắng cay. Đến nay, vị linh mục có nhiều cơ hội
để nếm trãi hơn. Bởi vì, mới nếm trãi nên cũng chưa biết hương vị nào ngon, hương vị nào chất
lượng. Thế là, có người đùa rằng, hương vị đắng cay rất khó để có thể phân biệt, chỉ biết là giá tiền
cao, có nhiều tuổi là ngon, là chất thôi à. Điều này xem ra cũng đúng với môi trường bảo quản đúng,
và thương hiệu có uy tín. Thế nhưng, đối với Chúa thì không phải thế, vì lắm lúc nước cũng thành
hương vị ngon, vì giờ chưa tới cũng có thể có chất lượng trong tay Chúa.
Từ trong bối cảnh giao ước cũ, hương vị ngon chất cũng được nhắc đến. Đây là một hương vị đặc
biệt của tình yêu qua hình ảnh cô dâu chú rể. Hình ảnh chú rể được khởi đi từ của Đấng Công Chính
xuất hiện. Đấng này đến như hừng đông, như một ngọn đuốc. Đấng này xuất hiện như một Vị Cứu
Tinh và vinh quang của Người thì tỏ rõ rạng ngời. Một trong những điểm đặc biệt của vị này là gọi
mỗi người bằng một tên mới, một tên do chính miệng Chúa đặt cho. Cũng chính nhờ tên mới này
mà mỗi người được biến đổi, như “đồ bị ruồng bỏ” trở nên “ái khanh lòng Ta hỡi”, từ “phận bạc
duyên đơn” trở nên “duyên thắm chỉ hồng.” Có lẽ như trong hôn nhân, đôi hôn phối sẽ gọi nhau là
mình ơi, như một cách thể hiện tình cảm đặc biệt, thể hiện hương vị ngọt ngào của tình yêu.
Tình cảm pha lẫn với hương vị ngọt ngào này được thể hiện một cách đặc biệt trong sự hiện diện
của Chúa Giêsu. Người xuất hiện như một người có kế hoạch rõ ràng khi đáp lời của thân mẫu rằng:
“Chuyện đó can gì đến tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Đây dường như là khẳng định rõ ràng, Chúa hiện
diện nhưng Chúa lại không can dự, Chúa để mọi sự diễn ra theo lẽ tự nhiên. Theo lời nói là thế,
nhưng rồi Chúa lại hành động. Chúa hành động vì có lý cũng có tình, có kế hoạch rõ ràng cũng có
những lúc linh động. Đôi khi sự linh động dung hoà phụ thuộc vào thái độ của mỗi người, nhất là
đáp lại tiếng Chúa mời gọi.
Một cách cụ thể, Chúa đã mời gọi gia nhân hãy đổ đầy nước trong sáu chum đá và họ đã đổ đầy tới
miệng. Đây là một sự đáp lời hết tình, một sự đầy tràn chan chứa. Có thể nói, hành động đáp lời này
góp phần tạo nên hương vị tròn đầy của bữa tiệc cưới, tạo nên hương vị ngon chất của cuộc đời mỗi
người. Mặc dù theo lý thì giờ của Chúa theo kế hoạch đã định chưa đến, nhưng theo tình Chúa vẫn
sẵn sàng làm dấu lạ đầu tiên. Dấu lạ này khiến quản tiệc phải ngỡ ngàng và giúp các môn đệ tin
tưởng tiếp bước hành trình theo thầy mình. Một hành động của Chúa đã đem đến vị ngọt chất lượng
cho muôn người dù thời điểm xác định có đến hay chưa.
Cũng chính hành động dung hoà giữa lý và tình này cũng giúp cho mỗi người theo Chúa nhận ra
nhiều đặc sủng nhưng cùng một Thần Khí. Quả là thế, mỗi người tín hữu đều được Chúa mời gọi
theo những ân sủng khác nhau. Ví như sự quan tâm tinh tế và hiểu được ý Chúa của Mẹ Maria, sự
lắng nghe và hành động của các gia nhân, sự ngỡ ngàng của người quản tiệc và ơn đức tin của các
môn đệ. Người khác có thể là ơn khôn ngoan để giảng dạy, ơn hiểu biết để trình bày, và ơn chữa
lành. Kẻ thì được ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định thần khí, ơn nói tiếng lạ và giải thích
các tiếng lạ. Tất cả dù có khác nhau thì cũng là lời đáp lại lời mời đến từ cùng một Thánh Thần, một
Chúa duy nhất.
Ước mong sao, mỗi người anh chị em chúng ta luôn biết nhận ra vị ngọt và chất lượng đến từ ân
sủng của Thiên Chúa chứ không phải tiền tài, để rồi, mỗi người sẽ biết đáp lại tiếng Chúa mời gọi
dành riêng cho mỗi người. Xin đừng quá lý tính mà phán xét mọi sự, cũng đừng quá cảm tính mà bỏ
qua tất cả. Xin hãy biết dựa vào Thiên Chúa Duy Nhất mà biết dung hoà mọi sự trong cùng một
Thánh Thần dù cách thể hiện có khác nhau. Amen.

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.