Dec082024
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
Chúa Nhật II Mùa Vọng. Br 5.1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6
Tiếng Chúa Thành Tiếng Hô.
Trong một số cộng đoàn, thành viên đa số là những người đã có tuổi nên mắt cũng đã mờ, tai cũng
đã lãng. Thế nên, nhiều lúc các thành viên trẻ được mời gọi nói to hơn khi trò chuyện, có khi phải
hô lên. Dẫu biết rằng, nhiều lúc các bô lão cũng quên mang thiết bị hổ trợ thính giác nên việc lắng
nghe càng khó khăn hơn, nhưng các ‘bé’ vẫn kiên nhẫn để có thể giao tiếp với các cụ. Thế nên, việc
‘ăn to nói lớn’ đôi lúc thật hữu ích trong tương quan cộng đoàn, miễn sao tiếng hô không trở thành
tiếng quát nạt là được. Vậy còn trong hành trình đợi chờ Chúa đến thì sao, mỗi người có biết biến
tiếng Chúa đang thì thầm thành tiếng hô lớn hay không?
Trong bài đọc I, Ba-rúc không đề cập đến tiếng hô nhưng là nội dung của tiếng hô. Nội dung này
đậm tính thực hành với những động từ khá là mạnh mẽ. Nào là cỡi bỏ, mặc lấy, đội lên, vùng lên,
đứng nơi cao, hướng mắt nhìn. Tất cả những hành động này tập trung vào sự tin tưởng vào Thiên
Chúa. Khi đó, mỗi người sẽ cỡi đi sự u ám thất vọng, mặc lấy sự công chính, đội lên triều thiên vinh
quang, vùng lên khỏi nên tối tăm, và rồi đứng lên nơi cao để đón Chúa đến. Đây là cách dân Chúa
khi xưa lắng nghe tiếng Chúa rồi thi hành qua những hành động cụ thể. Đó như là một tiếng hô lớn
qua việc làm thể hiện Đức Tin và Đức Cậy của họ.
Tiếng hô này đã được lặp lại qua lời mời gọi của Gioan, con ông Da-ca-ri-a, trong hoang địa. Có
người tự hỏi, trong hoang địa thì có ai mà nghe được tiếng hô này? Phải chăng, Gioan, vị tiền hô, đã
mất công tốn sức mà không được kết quả gì, hay ông chỉ là một thùng rổng kêu to trong nơi hoang
vắng? Ở điểm này, chúng ta có thể hiểu rằng, Gioan quả thật là hiện thân của I-sai-a, người đến
trước chuẩn bị đường cho Chúa như đã có lời chép. Hơn thế nữa, tiếng hô trước khi đến với những
người nghe thì nó vang vọng cho chính bản thân của Gioan. Vì quả thật, Thiên Chúa đã phán cùng
ông trước khi có tiếng người hô trong hoang địa, và người cất tiếng hô lại là người nghe tiếng đó
đầu tiên. Tiếng hô của Gioan của không chỉ là âm thanh vang vọng trong hoang địa mà còn được
thể hiện nơi chính cuộc đời của ông. Ông đã hô lên những gì ông sống, và đã có người nghe tiếng ông.
Quả là thế, tiếng hô của Gioan là một cuộc sống dọn đường, sửa lối cho Chúa bằng việc ăn chay cầu
nguyện trong sa mạc. Ông phủ lấp thung lũng đời mình bằng thời gian với Chúa và ân sủng từ
Người. Ông bạt đi sự kiêu ngạo và vinh quang có thể đến từ lúc mới sinh khi được nhiều người chú
ý. Ông sống uốn thẳng những lươn lẹo, dối trá của cuộc đời bằng những gì sẵn có trong thiên nhiên.
Ông cũng san phẳng những lồi lõm của những khó khăn, thử thách, hay những đau khổ có thể đến
với ông. Thế là, ông đã hô vang ơn cứu độ của Thiên Chúa bằng chính đời sống của mình và mời
gọi mỗi người cũng hãy lắng nghe và hô vang như thế.
Nhìn lại những đời sống khô khan, nhất là đời sống đức tin, một tiếng hô vang lại càng cần thiết biết
bao. Hô vang dù trong nơi hoang vắng cũng minh chứng cho công việc tốt đẹp Thiên Chúa đã khởi
sự nơi mỗi người. Hô vang qua hành động cũng niềm tin tưởng rằng, Thiên Chúa là Đấng hoàn
thành mọi việc tốt đẹp vì chính Người ban ơn hiểu biết cho mỗi người. Nhìn sự hiểu biết từ việc
lắng nghe tiếng Chúa mà mỗi người có thể phản tĩnh, có thể phân biệt, điều gì là tốt hơn, điều gì đẹp
lòng Chúa. Chắc chắn rằng, tiếng Chúa sẽ trở thành tiếng hô, sẽ đem lại hoa trái dồi dào cho chính
bản thân mỗi người và cho anh chị em chung quanh.
Nguyện ước sao, mỗi người trong hành trình Mùa Vọng luôn minh chứng cho Đức Tin của mình
trong cuộc sống đang dần khô khan, nguội lạnh như nơi hoang vắng. Để rồi, mỗi người anh chị em
chúng ta luôn lắng nghe tiếng Chúa và biến thành tiếng hô bằng chính đời sống của mình trong sa
mạc cuộc đời này. Một tiếng hô tuy nhỏ bé nhưng với sự trợ lực của Thiên Chúa thì chắc hẵn sẽ có
người nghe và tiếp tục hô vang hơn nữa. Amen.
Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.