Sep152024

Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.

Chúa Nhật XXIV B. Is 50,5-9; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35
Bị bách hại như một số mạng?
Nhắc lại câu chuyện xảy ra ở lễ khai mạc Olympic Pari. Nó như là một tổn thương dành cho
các Kitô hữu nói chung khi mà ban tổ chức đã chế giễu khung cảnh thánh thiêng của bữa
tiệc ly. Đối diện với sự tổn thương này, chúng ta có thể nhận định rằng, ngoài Kitô giáo ra,
thế giới không thể bách hại một ai khác. Điều đó có thể nói lên việc người Kitô hữu luôn bị
bách hại và sự bách hại như là một số mạng của người tín hữu hay không?
Từ trong bài đọc I, bài ca về ‘Người Tôi Tớ của Đức Chúa’ theo sách ngôn sứ I-sai-a thể
hiện một thái độ vui lòng đón nhận mọi đau khổ hay là tổn thương đến với mình. Vị tôi tớ
này sẵn sàng đưa lưng cho người ta đánh đòn, đưa má cho người ta giật râu và không che
mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Trong lý thuyết về sự tổn thương, việc vui lòng đón nhận sẽ
dẫn đến một sự thấu hiểu và đây là điểm khởi đi cho quá trình được chữa lành. Khi một
người bắt đầu đón nhận thì cũng là lúc quá trình diễn ra một cách suôn sẻ. Điều này càng
tốt hơn nữa nếu người bị tổn thương nhận ra sợ nâng đỡ khi đặt niềm tin vào bàn tay Thiên
Chúa.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu không chỉ chia sẻ mà còn dạy bảo về sự thương khó của Con
Thiên Chúa. Người Con này sẽ chịu đau khổ, đón nhận sự loại bỏ, bị giết chết, nhưng lại
mang đến một hy vọng sống lại sau ba ngày. Trong Sự Thương Khó, Chúa Giêsu không
phải chờ đợi lâu để đón nhận sự loại bỏ. Sự loại bỏ hay đúng hơn là sự từ chối đến từ chính
vị tông đồ cả, vị đại diện nhóm Mười Hai. Mới phân cảnh trước đó, ông đã tuyên xưng:
“Thầy là Đấng Kitô” thì ngay lặp tức ông ‘lật mặt.’ Ông kéo Chúa ra, trách Chúa theo nghĩa
từ chối sự thương khó của thầy mình. Phải chăng đây là thái độ thiếu đón nhận thể hiện sự
thiếu hiểu biết?
Trong thực tế, những sự kiện tổn thương xảy ra, ví như trận bão Yagi đã và đang gây ra
những vết thương cho nhiều người. Quả là thế, chúng ta không thể nào thoát khỏi sự tổn
thương dù trực tiếp hay gián tiếp, nhưng chúng ta có thể lựa chọn để vui lòng đón nhận
hoặc chối bỏ. Đây có lẽ cũng là một quyết định khó khăn cho người tín hữu theo Chúa
Giêsu. Liệu rằng chúng ta vui lòng đón nhận đau khổ cũng như bách hại, hay chối bỏ?
Chúng ta theo Chúa thế nào nếu không vui lòng đến gần Thánh Giá và đón nhận vác lấy?
Trong bài đọc hai, thánh Gia-cô-bê mời gọi một sự thực hành giữa đức tin và hành động.
Thánh nhân nhấn mạnh đức tin mà không có hành động là đức tin chết. Đây cũng luôn là
lời mời gọi dành cho những ai đang đối mặt với sự tổn thương. Với đức tin, chúng ta có thể
bắt đầu đón nhận sự tổn thương. Điều này không có nghĩa chúng ta không còn sự lựa chọn
nào khác như một định nghĩa về người nghèo, nhưng chúng ta quen dần với tổn thương
cùng tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải sự căm thù.
Nguyện ước sao, mỗi người chúng ta có thể luôn đến gần Thánh Giá Chúa và học biết đón
nhận những tổn thương như là một phần số mệnh của chúng ta. Amen!

JDTânTCP. Bị bách hại như một số mạng? – YouTube

Tslm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, C.P.