Aug152024
Fr Nguyễn Ngọc Tân CP.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến
miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà
vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà
Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa
con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh
Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng :
“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và
người con em đang cưu mang cũng được chúc
phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến
với tôi thế này ? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe
tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên
vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa
sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng,
rồi trở về nhà.
Đức Mẹ Lên Trời. Kh 11,9a; 12,1-6a. 10ab; 1 Cr 15,20-27; Lc 1,39-
56
Lên Trời hay Xuống Thế?
Trong những cuộc trò chuyện, có người cho rằng Đạo Công Giáo toàn
nói những chuyện trên trời. Phải chăng người Công giáo chỉ là những
người đi mây về gió, những người tin vào những chuyện không tưởng?
Nếu quả là như thế thì hôm nay chúng ta mừng ngày lễ Mẹ Lên Trời hay
nói về chuyện ở dưới thế?
Ông bà và anh chị em rất thân mến!
Các bài đọc hôm nay dường như không nhắc gì đến chuyện Đức Mẹ
Hồn Xác lên trời. Đó phải chăng là một sự lạ không?
Lạ cũng đúng vì tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã không được
công bố cho đến ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ ngày 01 tháng 11 năm
1950. Quả thế, dù đã chớm nở và thực hành trong đời sống Giáo hội
ngay từ buổi ban đầu nhưng đến giữa thế kỉ XX, tín điều này mới được
long trọng công bố. Chính điều này cũng phần nào cho thấy người công
giáo tuy luôn hướng về quê trời nhưng cũng luôn sống trọn đời sống nơi
trần thế.
Cuộc sống trần thế càng được thấu tỏ hơn trong chính bài Tin Mừng
hôm nay. Thánh sử Lu-ca đã trình thuật lại một cuộc gặp gỡ giữa hai
người phụ nữ bình dị nơi miền núi đơn sơ. Một cuộc gặp gỡ giữa một
người vội vã lên đường tìm gặp chị họ và một người đầy diễm phúc
được viếng thăm. Một cuộc gặp gỡ giữa chính Người Con Một của
Thiên Chúa với vị tiền hô của mình. Điều này xem ra giống ngày lễ Đức
Mẹ Thăm Viếng Bà Êlisabét hơn là Đức Mẹ Lên Trời.
Xét về nội dung thì quả là như thế, và rồi, đặt trong bối cảnh mừng kính
trọng thể Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta có thể liên tưởng đến cuộc gặp gỡ
giữa hai vị thánh trên quê trời. Mà quê trời thì không phải trên không
gian, trên mây với gió, nhưng có thể thực hiện ngay chính ở trần thế
này. Có thể nói, Mẹ Lên Trời mang lại nhiều giá trị cho đời sống trần
gian này. Nói cách khác, Mẹ lên trời như Chúa Thăng Thiên để ở cùng
với ở với mỗi người, cùng chia sẻ buồn vui, cùng trãi qua những biến cố
cuộc đời với những cuộc gặp gỡ bất ngờ. Đây là một tương quan xuống
thế trong niềm tin Lên Trời.
Tương quan đó không chỉ dừng lại ở hai người nữ, dừng lại ở họ hàng
bạn bè thân hữu, mà tương quan đó được đặt trong tương quan đức tin,
tương quan với Thiên Chúa. Quả thế, Mẹ Maria và bà Êlisabét đã được
chúc phúc và sống bình an vì đặt niềm tin tưởng và phó thác vào Lời
Chúa truyền. Lời đó không chỉ được phán truyền mà còn được thực hiện
trong đời mỗi người. Lời đó còn được thực hiện khi Thiên Chúa thiết
lập tương quan tốt đẹp khởi đi từ trong lịch sử Cứu độ và hoàn tất nơi
Chúa Giêsu.
Ý nghĩa thiết lập tương quan cũng được minh chứng qua bài ca
Magnificat trong bài Tin Mừng hôm nay. Thử tìm hiểu về nguồn gốc bài
ca của Mẹ hôm nay, lời bài hát được trích từ các sách trong Kinh Thánh,
từ sách Samuen, Thánh Vịnh, Đệ Nhị Luật, Gióp, Isaia, và Mica. Điều
này phần nào thể hiện việc thánh sử Máccô đã trích dẫn và viết nên Bài
ca Ngợi khen của Mẹ Maria. Thánh sử đã muốn nhấn mạnh đến tương
quan giao ước của Thiên Chúa là: Chúa là Chúa của dân, và dân là dân
của Chúa.
Ông bà và anh chị em rất thân mến!
Mẹ hồn xác về trời là một đặc ân Chúa dành cho mẹ và qua mẹ Chúa
dành cho chúng ta. Vai trò của mẹ trong công cuộc cứu thế là vai trò
trung gian. Mẹ được ví như chiếc cầu đưa con người đến với Chúa và
ngược lại. Đón nhận trong biến cố truyền tin, Mẹ trở nên cung lòng, nên
ngôi nhà để con Thiên Chúa làm người và con người làm con Thiên
Chúa. Ở tiệc cưới Cana, Mẹ làm môi giới cho Chúa làm phép lạ cho nhà
tiệc. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Mẹ đi thăm bà chị họ để Thiên Chúa
gặp gỡ con người mà đại diện là bà Êlisabét và Gioan tẩy giả. Hôm nay
mừng kính trọng thể đặc ân mẹ Lên trời cũng là cơ hội nhắc nhở chúng
ta quê hương của ta là Nước trời, nơi Mẹ đã đến, đã hiện diện. Và chúng
ta cũng được mời gọi sống như mẹ để mai sau cũng được Lên Trời như
mẹ.
Bởi lẽ, như lời thánh Phaolô trong bài đọc II, chính Chúa Giêsu Kitô đã
trỗi dậy từ cõi chết, đã mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.
Chính Chúa đã lên Trời, đã ở trong tương quan lành mạnh với Thiên
Chúa Cha. Theo bước Người, Mẹ Maria cũng lên Trời cả hồn lẫn xác.
Mẹ lên Trời như thể Mẹ đã sống và luôn ở trong tương quan lành mạnh
với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa.
Nguyện ước, điều đó cũng xảy ra với mỗi người anh chị em chúng ta khi
chúng ta luôn biết sống trong tương quan lành mạnh và mật thiết với
Chúa. Amen.